Các ca mắc sốt xuất huyết rải đều trên tất cả các quận, huyện, các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư.
Theo tin từ sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. Số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường, trong đó, có một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai.
Theo CDC Hà Nội, các ca mắc sốt xuất huyết tập trung ở khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Ảnh minh họa |
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện đã vào mùa dịch sốt xuất huyết của năm 2020. Các ca mắc sốt xuất huyết rải đều trên tất cả các quận, huyện, các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển.
Trong đó, nội thành là các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và đặc biệt là Cầu Giấy. Với khu vực ngoại thành, các huyện giáp ranh như Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín là khu vực có nguy cơ cao trong nhiều năm liên tục.
Mặc dù số ca mắc giảm 44,6% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc-tơ (muỗi trung gian) truyền bệnh phát triển.
Theo đó, để chủ động trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức đợt cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức đợt chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường, phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao.
CDC Hà Nội cho biết, việc phun hóa chất phòng chống dịch có 2 phương án. Thứ nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, cụ thể có mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy tăng cao trong ngưỡng cho phép thì sẽ có chỉ định phun hóa chất để phòng dịch bệnh. Thứ hai là tại khu vực có bệnh nhân dương tính, hay gọi là ổ dịch, cũng sẽ được phun để làm sao hạ nhanh nhất và không để lây lan ra cộng đồng.
Vũ Đậu (T/h)