Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cứ bùng phát dịch, bệnh nhân sốt xuất huyết lại nằm hành lang

(DS&PL) -

Hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và tuyến trung ương mỗi khi có dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra hầu như năm nào cũng lặp lại.

Hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và tuyến trung ương mỗi khi có dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra hầu như năm nào cũng lặp lại.

Bệnh nhân nằm hành lang

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, trong ngày 29/10, bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân trong toàn bệnh viện.

"Trước tình trạng đó, các khoa và phòng của bệnh viện đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng Khoa nhiễm D phải bố trí thêm hơn 30 giường bệnh kê tại hành lang, vì phòng bệnh đã quá tải", bác sĩ Phong nói.

Người bệnh sốt xuất huyết nằm ngoài hành lang do các phòng ở bệnh viện quá tải. Ảnh: Vnexpress

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, số ca mắc sốt xuất huyện trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong 9 tháng đầu năm ghi nhận hơn 48.400 ca mắc bệnh bao gồm số nhập bệnh viện và điều trị ngoại trú, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.800 ca mắc mới.

Riêng tháng 9, thành phố có 8.128 ca, tương đương số ca trong tháng 8. Đã có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn. Hầu hết trường hợp này đều đến bệnh viện trễ, sau một thời gian tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc kèm theo các bệnh lý béo phì, bệnh mạn tính.

Thông tin ở Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tuần qua (từ ngày 21 đến 27/10) ghi nhận 770 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 61 trường hợp so với tuần trước). Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Trong khi đó, năm ngoái chỉ khoảng 1.000 ca. Hiện 95,5% ca mắc sốt xuất huyết đã khỏi và được xuất viện.

Cần sàng lọc bệnh nhân từ tuyến dưới tránh quá tải

Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, việc tiếp nhận quá nhiều ca mắc sốt xuất huyết khiến nhiều lúc bệnh viện quá tải, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc vất vả để sàng lọc bệnh, chữa trị cho người bệnh. Trước số người bệnh nhập viện quá đông, các bệnh viện đã phải chuyển một số ca bệnh không lây nhiễm qua phòng khác để có thể điều trị cho các người bệnh từ tuyến dưới chuyển về.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, hơn 80% số ca mắc sốt xuất huyết là nhẹ. Chính vì thế, các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện đều có khả năng điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết. Việc người bệnh tập trung chuyển về tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng ít nhiều đến việc sàng lọc, kiểm soát bệnh. Việc tập trung điều trị tại bệnh viện tuyến cuối sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác, khiến bệnh càng nặng hơn. Trên thực tế, nhiều người bệnh mắc sốt xuất huyết bị chết do lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khi điều trị tại các bệnh viện quá tải.

Khám cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nhân dân

Tại hội nghị phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 7/2019 tại TP.HCM, để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết, bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt nhằm đáp ứng tình hình dịch.

Ðối với người bệnh phải nhập viện điều trị cho nên sắp xếp các người bệnh có cùng phân độ vào một khu và có chỉ thị mầu đối với từng phân độ người bệnh nặng, bệnh án nặng nhằm tăng sự lưu ý khi điều trị đặc biệt là theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, bệnh viện tuyến trên cũng cần cử cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn tại chỗ cho tuyến dưới, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết tại tuyến dưới, góp phần hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên.

Một trong những khâu quan trọng trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối đó là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết, công tác truyền thông cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ bệnh để có thể yên tâm điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, chỉ những trường hợp nặng mới cần chuyển lên tuyến trên.

Chỉ khi tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối cơ bản được giải quyết, thì công tác điều trị, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết mới được tốt hơn, làm hạn chế các ca tử vong.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật