Hà Nội đang trở lại những ngày không khí ở ngưỡng kém và xấu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Trong những ngày gần đây, các điểm quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả ở ngưỡng kém và xấu vào thời điểm đầu giờ sáng. Thậm chí, tình trạng trời mù còn kéo dài tới đầu giờ chiều, có những ngày tới gần 18h tối mới chấm dứt.
Hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm trong không khí bị giữ ở tầng thấp - Ảnh: Tuổi trẻ |
Bụi bẩn, ô nhiễm khiến cho tầm nhìn bị hạn chế - Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu gây nên hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo sương mù, mưa lất phất sẽ còn lặp lại trong 2-3 ngày tới, nhất là từ 4-8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí chưa thể cải thiện.
Chia sẻ với Tuổi trẻ, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện tượng trời mù ở Hà Nội hiện nay cũng khá giống với thời điểm cuối tháng 1/2019 khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô lên đến mức cao, ở ngưỡng xấu và nguy hại tới sức khỏe.
Tình hình chất lượng không khí lên mức báo động ngày 27/3 ở Hà Nội - Ảnh: Kênh 14 |
Ông Tùng lý giải trái với quy luật thông thường là càng lên cao nhiệt độ càng thấp, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra trong những ngày mùa đông, càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng cao.
Khi đó, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, vì vậy các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Số lượng tham gia giao thông lớn là 1 trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội - Ảnh: Kênh 14 |
Ông Hoàng Dương Tùng khuyến cáo người dân nên theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường để chủ động sử dụng khẩu trang đúng chủng loại.
Ông Tùng cho rằng mức độ ô nhiễm không khí như trên có thể do hoạt động giao thông tăng cao và hiện tượng nghịch nhiệt.
Theo ông Tùng, Hà Nội những ngày cuối năm tăng đột biến về số lượng xe cộ. Tình trạng ùn tắc kéo dài ở nhiều điểm dẫn tới chất lượng không khí suy giảm, ô nhiễm.
Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) quy định: - Từ 0-50: chất lượng không khí tốt - Từ 51-100: trung bình - Từ 101-150: kém - Từ 151-200: xấu - Từ 201-300: cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng đến sức khỏe |
Quỳnh Chi (T/h)