Ngày 10/10, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, sau 10 ngày triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, các lực lượng đã tổ chức hơn 90 buổi tuyên truyền các quy định về đảm bảo TTATGT cho 89,713 học sinh và 3.850 giáo viên các cấp học trên địa bàn thành phố.
CSGT Hà Nội tổ chức tuyên truyền các quy định về đảm bảo TTATGT cho học sinh trên địa bàn thành phố
Công an các cấp đã tổ chức ký cam kết chấp hành an toàn giao thông với 35.792 học sinh cấp THCS và THPT; ký 1.482 cam kết với phụ huynh về việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển; phối hợp tổ chức 15 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại khu vực các cổng trường, duy trì mô hình cổng trường An toàn giao thông trên địa bàn thành phố; trao tặng hàng nghìn mũ bảo hiểm và nhiều tặng phẩm cho các em học sinh.
Lực lượng CSGT toàn thành phố xử lý 3.099 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT liên quan đến học sinh. Qua đó, tạm giữ 1.657 phương tiện các loại (xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện...).
Trong đó, CSGT xác định 2.806 học sinh và phụ huynh vi phạm lỗi về mũ bảo hiểm, 541 tài xế là học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Lực lượng chức năng sẽ kết hợp linh hoạt giữa tuyên truyền, giáo dục, tuyệt đối không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh
Bên cạnh đó, có 151 trường hợp chủ xe hoặc người liên quan có hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Đồng thời, CSGT đang tiếp tục xác minh và xử lý khi những người vi phạm lỗi này đến giải quyết tại trụ sở theo quy định.
Đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với học sinh THCS và THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện... được CSGT toàn quốc triển khai từ sáng sớm 1/10.
Một trường hợp phụ huynh vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT
Các lỗi CSGT tập trung xử lý như điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều của đường một chiều; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển...
Đại diện Cục CSGT khẳng định, lực lượng chức năng sẽ kết hợp linh hoạt giữa tuyên truyền, giáo dục, phối hợp các chế tài bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. CSGT tuyệt đối không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Riêng với các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ sẽ được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để xử lý.