Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội: Giải tỏa Chợ Đông Tác, hàng trăm tiểu thương hoang mang

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tiểu thương chợ Đông Tác (Hà Nội) hoang mang khi nhận lệnh giải tỏa "bất ngờ" từ phía UNBD phường.

(ĐSPL) - Tiểu thương chợ Đông Tác (ngõ 43 phố Đông Tác, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) hoang mang khi nhận lệnh giải tỏa "bất ngờ" từ phía UNBD phường. Cuộc sống của hàng ngàn tiểu thương khu chợ này rồi sẽ đi đâu về đâu?

 

Hàng trăm tiểu thương lo lắng “bám chợ” chờ giải tỏa

Theo phản ánh của những tiểu thương ở khu chợ Đông Tác thì sáng 1/3, họ rất bất ngờ khi bị cấm vào họp chợ vì lý do phường Trung Tự đang cho lực lượng tiến hành giải tỏa khu chợ.

Chị Khanh - một tiểu thương trong chợ, cho biết: “Sáng dậy sớm đi chợ bán hàng thì bị lực lượng an ninh trật tự phường cản lại không cho vào vì lý do đang thực hiện lệnh giải tỏa. Bất ngờ trước thông tin trên, những tiểu thương như chúng tôi đã kịch liệt đấu tranh và phản đối, phải mất hàng giờ đồng hồ chúng tôi mới được vào gian hàng của mình để buôn bán..."

Tiểu thương chợ Đông Tác thức trắng đêm vì nỗi lo giải tỏa .

Nhiều tiểu thương trong khu chợ tỏ ra bức xúc: “Mặc dù chúng tôi đã được gặp và làm việc với lãnh đạo phường, tuy nhiên vẫn chưa kịp hiểu việc giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất của lãnh đạo địa phương là để làm gì? Vì đây là quyền lợi chính đáng mà những tiểu thương cần phải biết và cần được giải đáp. Những tiểu thương tại khu chợ Đông Tác sẵn sàng di chuyển và bàn giao mặt bằng khi biết rõ lý do và mục đích của việc giải tỏa”.

Cũng theo phản ánh của những tiểu thương ở đây, những hộ dân trong dãy bờ đê Sông Lừ nối liền với các gian hàng của họ vẫn chưa nhận được lệnh giải tỏa. Do đó, họ cảm thấy rất hoang mang, và đặt ra câu hỏi, tại sao việc giải tỏa lại chỉ nhằm vào gian hàng của tiểu thương chợ Đông Tác? Liệu có một mục đích nào ẩn chứa đằng sau sự việc này hay không?

Tiểu thương chợ Đông Tác giơ khẩu hiểu phản đối việc giải tỏa.

Nỗi lo bị đẩy ra đường, mất đi “kế sinh nhai” mà họ đã cố bám trụ hàng chục năm nay đã khiến những tiểu thương mấy ngày nay đứng ngồi không yên.

Được biết, khu chợ Đông Tác được thành lập cách đây hơn chục năm, với gần 100 hộ kinh doanh vào đây hoạt động đều phải thực hiện nghĩa vụ liên quan, đóng thuế môn bài hàng năm là 100.000 đồng/gian hàng; ngoài ra còn phải nộp 160.000 đồng/tháng.

Theo những tiểu thương khu chợ này thì họ vào đây hoạt động đều thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, cũng như những khu chợ nhỏ lẻ khác, những tiểu thương ở đây là những hộ kinh doanh nhỏ và phần đông là những gia đình nghèo khó.

Giải tỏa chợ biết bấu víu vào đâu để sống?

Là một tiểu thương buôn bán ở khu chợ nhỏ này đã được 16 năm nay và thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, nhưng khi nói về hoàn cảnh gia đình chị Vương Thị Kim Huệ (SN 1968, trú tại Ngõ 66 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), ai trong khu chợ cũng mủi lòng, gia đình 8 miệng ăn trông cả vào gian hàng bán quần áo ngoài chợ của chị. 

Gia đình chị Huệ có hoàn cảnh khó khăn, chồng là lao động tự do, nhà chị có 3 người con, cô gái đầu lấy chồng ở với nhau có một mặt con rồi ly hôn, ôm con về nhà mẹ. Một mình chị Huệ phải bươn chải với chợ người kiếm cái ăn cái mặc cho cả nhà. Bố mẹ đẻ chị Huệ năm nay tuổi cũng đã cao, lại hay ốm đau bệnh tật (bố bị bệnh máu trắng, mẹ bị bệnh tiểu đường) nên hoàn cảnh càng trở nên khó khăn, vất vả.

Chị chia sẻ: "Do gia cảnh khó khăn, nên tôi đã phải gắng gượng bươn chải cuộc sống. Cũng may vẫn còn  gian hàng ở chợ buôn bán kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Mỗi lần đưa bố mẹ đi viện lại thêm tốn kém, mặc dù đã có bảo hiểm nhưng chi phí kèm theo cũng cứ phải tính đến con số hàng chục triệu đồng chứ không ít..."

Nhiều tiểu thương mệt mỏi nằm ngủ luôn tại chợ.

"Nhưng nếu có dự án giải tỏa khu chợ này đi thì không biết rồi đây cả nhà lấy gì mà ăn, cuộc sống vốn dĩ ngày càng khó khăn, hàng hóa từ đầu năm đến nay chưa bán được bao nhiêu, lại còn những mối hàng nợ còn chưa thu lại được từ những năm trước” - chị Huệ ngậm ngùi.

Cùng chung tâm trạng với chị Huệ, chị Khanh cũng buồn rầu chia sẻ thêm: “Chưa có ai muốn rời bỏ khỏi chợ quần áo này vì biết đi về đâu để buôn bán, hàng hóa nhiều, chất đống thế này, đã ai kịp dọn hết đâu. Hy vọng chính quyền có thể tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay”.

Không có người trông con, trong những ngày cuối tuần, tiểu thương Nguyễn Thị Hậu phải dắt díu 2 đứa con nhỏ 4 tuổi và 9 tuổi tới quầy bán quần áo cũ. Ôm đứa con út vào lòng, chị Hậu chia sẻ: “Bán quần áo là nghề nuôi sống cả gia đình tôi hàng chục năm nay, giờ chính quyền giải tỏa mà không có kế hoạch hỗ trợ, gia đình tôi biết sống ra sao. Hơn nữa. hàng chục nhà kiên cố của các hộ dân ngay sát chợ còn chưa xử lý xong tại sao phải giải tỏa khu chợ quần áo vội vã như thế”.

3 mẹ con chị Huệ cố gắng "bám chợ" trước lệnh giải tỏa.

Mặc dù cũng nằm trong khu vực ngay sát chợ giải tỏa nhưng những hộ dân, nhà hàng vẫn chưa hề có bất kì động thái nào cho việc bàn giao lại mặt bằng để xây dựng dự án cải tạo thoát nước sông Lừ. Quán bia, karaoke vẫn bật đèn biển hiệu sáng trưng, hoạt động không ngừng nghỉ.

Về phía UBND phường Trung Tự, trong ngày 1/3 đã cho lực lượng và máy ủi tới dỡ bỏ khu câu lạc bộ của người cao tuổi, đồng thời cho lực lượng dân phòng tiến hành trông coi suốt đêm tại khu vực chợ quần áo cũ.

Cho đến thời điểm hiện tại nhiều tiều thương vẫn chưa được rõ về việc thu hồi đất là để phục vụ vào mục đích gì? Vì nếu là thu hồi để xây dựng dự án cải tạo thoát nước Sông Lừ thì chắc chắn những hộ dân, hàng quán trên trục đường đê tại sao vẫn không thực hiện lệnh giải tỏa?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vụ việc này.

Hoàng Giáp

Tin nổi bật