Tin tức trên báo VietNamNet, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024, trong đó có 5 hành vi vi phạm phạt tiền lên tới 120 triệu đồng. Cụ thể:
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 20% đến 50%.
Theo đó, Nghị định 168 đề xuất mức phạt đối với cá nhân vi phạm hành vi này từ 28 -30 triệu đồng và từ 56- 60 triệu đồng đối với tổ chức. Hà Nội đề xuất tăng gấp 2 lần với cá nhân phạt tiền lên tới 56- 60 triệu đồng và 112- 120 triệu đồng đối với tổ chức mắc lỗi trên.
Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên tới 120 triệu đồng đối với 5 hành vi vi phạm giao thông. Ảnh minh hoạ
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành.
Nghị định 168 phạt 28- 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức. Còn Hà Nội đề xuất nâng lên 2 lần tới 56 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 112 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quy định trên.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong giấy phép lưu hành.
Nghị định 168 phạt 28 - 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức. Còn Hà Nội đề xuất nâng lên 2 lần tới 56 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 112-120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quy định trên.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%.
Nghị định 168 phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân và 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức còn Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên 1,5 lần với cá nhân 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 90 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Giao xe, để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%.
Nghị định 168 phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân và 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức còn Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên 1,5 lần với cá nhân 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân và 90 - 120 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Nguồn tin cũng cho hay, trước đề xuất này, nhiều tài xế lo lắng vì mức phạt quá cao. Anh Trần Văn Toản (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ rằng lương tài xế của anh là 18 triệu đồng/tháng. Nếu không may vi phạm quy định về tải trọng và bị phạt tới 60 triệu đồng, anh sẽ mất thu nhập của ba tháng làm việc.
"Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình, trong khi chúng tôi chỉ là người làm thuê. Chủ xe ký hợp đồng vận chuyển với đơn vị thuê, còn tài xế nhiều khi không có quyền quyết định chở bao nhiêu tải," anh Toản bày tỏ.
Ngược lại, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Hà Nội, vì thực tế tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra phổ biến. Không ít phương tiện chở quá tải gần 50% vẫn chạy ầm ầm trên các tuyến quốc lộ, thậm chí từng có trường hợp xe quá tải gây sập cầu.
Tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn ở Hà Nội có thể bị phạt đến 60 triệu đồng
Theo báo Dân Trí, với hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1l khí thở sẽ bị xử phạt 9-12 triệu đồng; hành vi này với tài xế xe máy bị phạt 3-4,5 triệu đồng.
Với hành vi trên, Nghị định 168 quy định mức phạt 6-8 triệu đồng người điều khiển ô tô vi phạm và 2-3 triệu đồng với người điều khiển xe máy vi phạm.
Với hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg-0,4mg/1l khí thở sẽ bị phạt 27-30 triệu đồng; hành vi này với tài xế xe máy bị phạt 9-12 triệu đồng.
Nghị định của Chính phủ quy định mức phạt hành vi trên với người điều khiển ô tô 18-20 triệu đồng và 6-8 triệu đồng với người điều khiển xe máy.
Với hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở sẽ bị phạt 45-60 triệu đồng; lỗi này với tài xế xe máy bị phạt 12-15 triệu đồng.
Cùng lỗi trên, Nghị định của Chính phủ quy định mức phạt 30-40 triệu đồng với người điều khiển ô tô và 8-10 triệu đồng với người điều khiển xe máy.
Còn với hành vi điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt 45-60 triệu đồng; lỗi này với tài xế xe máy bị phạt 12-15 triệu đồng.
Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành vi trên 30-40 triệu đồng với người điều khiển ô tô và 8-10 triệu đồng với người điều khiển xe máy.