Tỉnh Hà Giang hiện có trên 87% dân số sống ở nông thôn, trong đó lao động nông thôn (LĐNT) chiếm trên 76% so với cả tỉnh. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT; đặc biệt là từ khi có Quyết định 1956/QĐ– TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 20120”, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển quan trọng: Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị không ngừng được đầu tư mở rộng, phân bố khá hợp lý.
Từ năm 2011 đến nay, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề đạt trên 62,3 tỷ đồng; trong đó, Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trên 8,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng hàng năm; các cơ sở đào tạo chủ động hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo; nội dung, chương trình, ngành nghề đào tạovà phương pháp giảng dạy ngày càng được đổi mới, phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế về sử dụng lao động của tỉnh. Hiện nay, đã tổ chức đào tạo 04 nghề hệ cao đẳng; 20 nghề hệ trung cấp; 44 nghề hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó có 27 nghề nghề phi nông nghề, 17 nghề nông nghiệp.
Tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ việc làm diễn ra tại tỉnh Hà Giang
Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án 1956, với hình thức lồng ghép các chương trình, dự án, tỉnh ta đã đào tạo được gần 49 nghìn lao động; số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo trên 34.144 người; trong đó chủ yếu là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tự tạo việc là tại gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến hết năm 2012 đạt trên 30%.
Những kết quả này tuy đã phản ánh nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà trong tương lai; trong Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015 cũng đã nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; đáp ứng nhu cầu lao động trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung những lĩnh vực Hà Giang có lợi thế cạnh tranh; phát triển nhân lực phải đặt trong mối quan hệ mật thiết giữa CNH-HĐH, phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn; giữa công nghiệp và các ngành kinh tế khác, tạo ra sự đột phá mới về kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu lao động của tỉnh đồng thời chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động khu vực và thế giới. Xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tại địa phương... Nhưng trên thực tế, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh vẫn còn độ “vênh” so với nhu cầu sử dụng nguồn lao động trong thực tế; công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được các ngành chức năng nghiêm khắc nhìn nhận và khắc phục.
Một số giải pháp trọng tâm trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, tăng cường các biện pháp nhằm tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Từ đó khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người học, gia đình và xã hội.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.
Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả GDNN, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Kịp thời triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo nghề cho người lao động từ các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về GDNN; rà soát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đề xuất các giải pháp nhằm ổn định, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN.
Cam kết của ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh:
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính lĩnh vực GDNN, lao động việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ (đặc biệt là lao động kỹ thuật cao).
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh gọn các thủ tục liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng lao động, nhất là cấp phép cho lao động là người nước ngoài vào địa bàn làm việc, cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ việc làm; tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp trong việc đăng ký thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động,…
Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch, chính sách, quy định về phát triển lao động, việc làm, GDNN trên địa bàn tỉnh theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, chính sách đầu tư thuộc lĩnh vực của từng ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
PV