Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gói thầu có giá cao bất thường tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, trách nhiệm thuộc về ai?

(DS&PL) -

Giá nhiều sản phẩm trong Gói thầu “Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2022” tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba có dấu hiệu chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu. Đại diện bệnh viện này cho rằng: nếu xác định có sai phạm thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm vì giá thiết bị do đơn vị đó kê khai.

 Chênh lệch giá lớn so với giá nhập khẩu

Mới đây, ông Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (bộ Y tế) cho hay, hiện chưa có quy định về mức giá trần (giá cao nhất có thể mua-bán) hay chênh lệch giá gốc với giá bán của máy móc và TTBYT là bao nhiêu. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu về giá trần, lợi nhuận tối đa đối với nhà thầu từ kinh nghiệm của các nước.

Bởi vậy, quay trở lại với mục tiêu quan trọng của đấu thầu là hiệu quả kinh tế trong công tác mua sắm TTBYT vẫn rất khó để xác định và đảm bảo. Thực tế, qua tìm hiểu gói thầu bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba (trực thuộc sở Y tế Hà Nội) cũng cho thấy những vấn đề nêu trên.

Theo đó, ngày 20/12/2022, ông Nguyễn Đình Phúc – Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba ký quyết định số 160/QĐ-VNCB về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2022.

Quyết định số 160/QĐ-VNCB do ông Nguyễn Đình Phúc ký.

Gói thầu có giá dự toán 8.805.000.000 đồng (Tám tỷ, tám trăm linh năm triệu đồng). Liên danh nhà thầu Tây Bắc Á - Duy Minh - Tràng An là đơn vị trúng thầu với giá 8.753.600.000 đồng (Tám tỷ, bảy trăm năm mươi ba triệu, sáu trăm nghìn đồng). Như vậy, sau đấu thầu thì số tiền tiết kiệm thêm cho ngân sách nhà nước là 51.400.000 đồng, đạt tỷ lệ 0,58%.

Quá trình nghiên cứu sản phẩm được mua trong gói thầu, phóng viên nhận thấy có hiện tượng chênh lệch giá rất lớn so với mức giá thực tế của sản phẩm.

Cụ thể, máy xét nghiệm sinh hóa (Model AU480; Hãng Beckman Coulter; Xuất xứ Nhật Bản) có giá tại gói thầu là 2.368.800.000 đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên có được, sản phẩm này được nhập từ Nhật Bản về có giá chỉ 1.190.464.365 đồng, tức thấp hơn 1,1 tỷ đồng so với giá bệnh viện phê duyệt.

Máy siêu âm chuyên tim mạch (Model LOGIQ P7; Hãng GE Ultrasound Korea, Ltd; Xuất xứ Hàn Quốc) được Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba phê duyệt với giá 1.648.000.000 đồng. Thế nhưng, thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam chỉ 597.659.337 đồng, thấp hơn giá gói thầu tới 1.050.340.663 đồng.

Hay, máy gây mê kèm thở (Model Atlan A300; Hãn Drägerwerk AG & Co, KgaA; Xuất xứ Đức) được nhập khẩu về đến Việt Nam giá 429.407.123 đồng, nhưng tại gói thầu lại lên tới 1.148.000.000 đồng/máy.

So sánh giá nhập khẩu (đã bao gồm thuế) với giá tại gói thầu so thấy số tiền chênh lệch gần 3,2 tỷ đồng.

Quá trình khảo sát ngẫu nhiên 5/7 thiết bị được mua sắm trong gói thầu cho thấy,  dấu hiệu “đội giá” gần 3,2 tỷ đồng. Lưu ý rằng, những thiết bị đã được cộng thêm 10% hoặc 15% thuế GTGT và thuế nhập khẩu.

Thực tế, để bàn giao tới chủ đầu tư thì nhà thầu còn phải tính toán tới số chi phí phát sinh để đảm bảo lợi nhuận. Thế nhưng, số tiền chênh lệch tới khoảng 3,2 tỷ đồng trong khi tổng giá trị gói thầu chỉ có gần 9 tỷ đồng là còn số rất đáng suy ngẫm. Vì nguồn vốn đầu tư công cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đem lại nhiều giá trị cho xã hội và nhân dân.

Chủ đầu tư nói gì?

 Trao đổi với phóng viên, TS. BS Nguyễn Khánh Long - Phó Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: Việc mua sắm thiết bị phục vụ nhu cầu thực tế, cấp bách của đơn vị. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đấu thầu, xây dựng giá dự thầu cũng như các quy trình khác theo đúng quy định.

Bộ y tế yêu cầu căn cứ vào giá trên cổng thông tin của bộ và các đơn vị trúng thầu trước đó, nếu không phải thuê các đơn vị thẩm định giá. Bệnh viện khẳng định đã làm đúng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Long: Về thông tin giá nhập khẩu, phía bệnh viện không thể biết được. Nếu xác định có sai phạm thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm vì giá thiết bị do đơn vị đó kê khai.

Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba có địa chỉ tại phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

“Theo tôi hiểu, các đơn vị nhập khẩu khi niêm yết giá trên cổng thông tin của bộ Y tế thì họ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng. Lấy ví dụ, máy siêu âm được phóng viên đưa ra có giá nhập khẩu dưới 1 tỷ đồng, nhưng có 3 đơn vị trúng thầu trên cổng thông tin của Bộ cho thấy giá trung bình đều từ 1,6-1,7 tỷ đồng. Thực tế, phía bệnh viện chỉ căn cứ được theo giá tại cổng thông tin của Bộ”, ông Long nhấn mạnh.

 

Về vướng mắc nêu trên, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai từng chia sẻ, khi mua sắm TBYT, bệnh viện không biết mua giá nào là hợp lý, để không mua phải máy bị “thổi giá", bởi bệnh viện không có đủ khả năng thẩm định.

Thực tế, để xác định được giá bán của máy móc hay trang thiết bị y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: chất lượng, số lượng mua, vận chuyển, lưu kho bãi, bảo hành,… Tất cả sẽ được tính vào giá bán cuối cùng. Trong khi đó, giá TBYT lại do các đơn vị cung cấp tự quyết định. “Chính vì vậy, các bệnh viện rất mong đợi quy định chặt chẽ, rõ ràng về giá trang thiết bị y tế để tạo hành lang cho việc mua sắm”, vị lãnh đạo bệnh viện nói.

Trao đổi với phóng viên, anh T. (xin giấu tên, đại diện một đơn vị chuyên phân phối TBYT) cũng thẳng thắng chia sẻ: Theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP, không được đấu thầu khi chưa có giá kê khai, đặc biệt không mua cao hơn giá tại cổng thông tin điện tử bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Tuy nhiên,giá kê khai do doanh nghiệp cập nhật lên mà chưa có cơ quan chức năng nào thẩm tra lại tính chính xác. Nhà thầu chỉ giải trình khi được bộ Y tế yêu cầu nếu có dấu hiệu bất thường.

Về phía đơn vị phân phối hay nhà thầu, khi mua bán thiết bị cần đảm bảo yếu tố doanh thu, trong khi luật Đấu thầu hiện nay chưa quy định lợi nhuận tối đa là bao nhiêu nên khi xảy ra việc, sẽ phải giải trình rất nhiều vấn đề với các cơ quan chức năng.

Về những hạn chế còn tồn tại dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN) đánh giá, về trách nhiệm pháp lý đối với sai phạm trong hoạt động đấu thầu hiện nay đã được quy định rõ ràng tại điều 222 Bộ luật hình sự.

Theo đó, nếu xác định có vi phạm, các tổ chức cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Thế nhưng, quy định pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế dù đã có tại luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và các quy định liên quan đến TTBYT nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được hoàn thiện.

Điều rất đáng quan tâm ở đây là thẩm định giá, điều này chưa thực sự căn cứ trên các thang mức, quy định, quy chuẩn đúng và phù hợp với thực tiễn dẫn đến kết quả đấu thầu không phản ánh đúng thực trạng. 

Bên cạnh đó, các chứng thư và hoạt động thẩm định giá cũng cần quy định một cách cụ thể. Bởi, thực tế vẫn chưa có hướng dẫn thực sự chi tiết, đặc thù liên quan đến xác định giá. Ngay Thông tư 58/2016/TT-BTC cũng chưa quy định sát vấn đề liên quan đến thẩm định giá, dẫn đến lập dự toán còn lỏng lẻo.

Đặng Thủy - Thạch Anh

Tin nổi bật