"Glass Onion" nằm trong top 10 phim xuất sắc nhất năm 2022, do Ủy ban Quốc gia về Phê bình điện ảnh Mỹ bình chọn.
"Glass Onion" tạo sức hút lớn đối với người xem bởi chuyện phim xoay quanh thế giới của một tỷ phú. Đồng thời, phim cho thấy những góc nhìn thú vị xoay quanh thế giới người giàu.
Về độ chân thực của phim, chuyên gia tâm lý người Mỹ Clay Cockrell đã có những chia sẻ chuyên sâu đầy thú vị.
Khi xem bộ phim "Glass Onion: A Knives Out Mystery", ông cảm thấy bộ phim quá chân thực. Phim phản ánh đúng những điều mà ông đã cảm nhận thấy khi tiếp xúc với giới siêu giàu.
Những nhu cầu của người thuộc giới siêu giàu không ngừng gia tăng, sau cùng, họ rơi vào vòng xoáy của việc không bao giờ biết đủ.
"Glass Onion" tạo sức hút lớn đối với người xem bởi chuyện phim xoay quanh thế giới của một tỷ phú - Nguồn: The Guardian.
Họ càng thực hiện được những sự kiện gây choáng ngợp, họ lại càng cảm thấy chưa hài lòng và muốn mình phải ấn tượng hơn nữa trong mắt những người xung quanh.
Họ không muốn trải qua một tiệc sinh nhật bình thường bên người thân và bạn bè, mà muốn mời một ban nhạc đình đám tới để đem lại niềm vui và sự phấn khích lớn. Họ không thích một tiệc Giáng sinh thân mật, ấm cúng bên người thân, mà muốn mời một danh ca tới đàn hát phục vụ trong tiệc cocktail vui nhộn, ồn ào...
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Cockrell, bộ phim "Glass Onion: A Knives Out Mystery" còn khai thác chính xác nỗi buồn lớn nhất đi cùng với sự giàu có.
Không ít người giàu thường có cảm giác rằng họ không còn tin ai được nữa. Những mối quan hệ xung quanh họ đều bị chi phối bởi quyền lực và tiền bạc mà họ sở hữu.
Chuyên gia tâm lý Clay Cockrell - Nguồn: The Guardian.
Trong bộ phim "Glass Onion", tỷ phú Miles luôn thể hiện sự tin tự tin, ngạo nghễ của mình, nhưng kỳ thực Miles cũng có những bất an.
Mỗi người bạn có mặt bên Miles đều có một mối liên hệ nào đó với anh xét trên khía cạnh tiền bạc. Những mối quan hệ này không thực sự dựa trên tình cảm yêu mến chân thành hay sự cởi mở vô tư, thành thực. Thực tế ấy khiến tâm lý của Miles có những lúc bị dồn nén cực độ.
Những khách hàng giàu có từng tìm tới chuyên gia Cockrell trị liệu tâm lý cũng có chung cảm nhận này. Đa số họ đều chia sẻ rằng những người mà họ coi là bạn đều có sự e dè nhất định trong quá trình tương tác.
Tất cả đều muốn làm hài lòng người bạn siêu giàu, vì tất cả cùng hiểu rằng nếu mối quan hệ bị xấu đi, sẽ có những lợi ích bị ảnh hưởng.
Suy nghĩ thường xuất hiện trong đầu những người siêu giàu là: Con người này muốn gì ở mình? Họ hứng thú với mình hay với tiền bạc, danh tiếng của mình? Đó vừa là vấn đề tâm lý cần trị liệu, nhưng cũng vừa là sự nghi ngờ đã được hình thành dựa trên cơ sở trải nghiệm thực tế.
Chuyên gia Cockrell cảm thấy rất tâm đắc với bộ phim "Glass Onion", bởi qua đó, người xem có thể nhận thấy rõ rằng những người giàu sang tột độ thực ra cũng không mấy sung sướng, xét về mặt nội tâm.
Sau khi xem bộ phim này, chuyên gia Cockrell hy vọng rằng người xem sẽ bớt đi những hình dung hão huyền về thế giới siêu giàu, để tự biết đủ, tự biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có.
Khi người ta không giàu, người ta dễ dàng biết được tình cảm người khác dành cho mình có chân thành hay không. Người ta cũng không cần phải liên tục đặt ra những nghi vấn, xét đoán đối với người khác.
Phương Linh (T/h)