Ngày 19/1 (giờ địa phương), giới nhà giàu đã kêu gọi chính phủ thế giới "đánh thêm thuế" đối với họ để có thêm chi phí ứng phó với đại dịch COVID-19 và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Cụ thể, nhóm 102 triệu phú và tỷ phú, bao gồm cả người thừa kế Disney Abigail Disney, cho biết hệ thống thuế hiện tại đang có lợi cho họ và hệ thống này cần được thiết lập lại để công bằng hơn cho những người làm việc chăm chỉ và khôi phục lòng tin vào chính trị.
Viết trong bức thư ngỏ ngày 19/1, các tỷ phú và triệu phú nêu: "Là những triệu phú, chúng tôi biết rằng hệ thống thuế hiện tại không công bằng. Hầu hết chúng tôi có thể nói rằng, trong khi thế giới đã trải qua vô số đau thương trong hai năm qua, chúng tôi vẫn thấy sự giàu có của mình tăng lên trong đại dịch. Nhưng rất ít người trong số chúng tôi có thể thành thật mà nói rằng chúng tôi đã đóng thuế công bằng".
Giới nhà giàu kêu gọi chính phủ thế giới "đánh thêm thuế" ngay lập tức để hỗ trợ ứng phó đại dịch và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ảnh: Reuters
Theo đó, những người siêu giàu, tự xưng là "triệu phú yêu nước", đã kêu gọi các chính phủ đưa ra "thuế tài sản vĩnh viễn đối với những người giàu nhất để giúp giảm bất bình đẳng và tăng doanh thu để thúc đẩy sự bền vững, lâu dài trong các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe".
Bức thư viết thêm: "Việc khôi phục lòng tin đòi hỏi phải đánh thuế người giàu. Thế giới - mọi quốc gia trong đó - phải yêu cầu người giàu đóng thuế công bằng. Hãy đánh thuế chúng tôi, những người giàu và đánh thuế chúng tôi ngay bây giờ".
Bức thư kêu gọi đánh thêm thuế của nhóm triệu phú và tỷ phú đã được công bố khi các nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành doanh nghiệp gặp nhau tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos ảo.
Mức thuế đề xuất sẽ khiến những người có tài sản trên 5 triệu USD phải đóng 2% tiền thuế, những người có trên 50 triệu USD đóng 3% và đối với các tỷ phú USD đóng 5%.
Nhóm tỷ phú cho biết như vậy là đủ để "đưa 2,3 tỷ người thoát khỏi đói nghèo; sản xuất đủ vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo trợ xã hội cho tất cả công dân của các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (có tổng cộng khoảng 3,6 tỷ người)".
Minh Hạnh (Theo Guardian)