Gầm cầu, trạm xe buýt là..."nhà"
Không có việc làm, cũng không thể rời khỏi thủ đô Hà Nội để trở về quê, nhiều công nhân đã phải chọn gầm cầu, trạm xe buýt làm "nhà" để ngủ qua đêm trong những ngày giãn cách xã hội tại Hà Nội. Họ sống bằng tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương.
Ông Tục bắt đầu bữa tối của mình sau khi nhận được từ nhà hảo tâm.
Hơn 22h, khi màn đêm yên tĩnh buông xuống cũng là lúc người đàn ông Nguyễn Văn Tục (48 tuổi, quê tại Mường Ảng, Điện Biên) được ăn bữa tối. Dưới gầm cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), ông Tục vừa được nhận bữa tối có cơm, rau và thịt từ các nhà hảo tâm.
Trong câu chuyện chia sẻ của người đàn ông đã ngoài tứ tuần, ông nhớ lại thời khắc 3 tháng trước rời quê Điện Biên đi xuống Bắc Giang, Bắc Ninh để làm phụ hồ. Thời điểm đó các địa phương này đều có dịch nên công việc rất khó khăn, được người quen giới thiệu, ông Tục lại xuống Hà Nội làm phụ hồ cho công trình xây dựng nhà dân ở khu vực đường Láng.
"Vừa làm được 2 ngày thì Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi phải tạm nghỉ. Sau đó, chủ thầu hỗ trợ các công nhân tiền cơm và sinh hoạt nhưng được khoảng 10 ngày. Khó khăn, bí bách quá nên các anh em bỏ về quê hết còn tôi do chân đau, lại không có tiền nên đành phải bám trụ lại...", ông Tục kể.
Gần nửa tháng qua, ông Tục sống lang thang tại một số gầm cầu ở quận Cầu Giấy, Hoàng Mai và được chính quyền địa phương giúp đỡ. "Giờ có cái ăn là may mắn lắm rồi, ai cho gì ăn đấy, tôi chỉ mong sao hết dịch để có thể tiếp tục công việc kiếm tiền nuôi con ăn học...", ông nói.
Đồ tư trang chỉ có 2 túi bóng đựng quần áo và một ít bánh, kẹo mà các nhà hảo tâm dành tặng. Người đàn ông này cho biết, chiếc điện thoại đen trắng là tài sản quý nhất trên người thì cũng bị trộm mất cách đây khoảng 2 ngày khi ngủ tại gầm cầu gần đường Giải Phóng.
Người đàn ông trằn trọc trên cầu đi bộ gần bệnh viện Bạch Mai.
Cách đó 7km, dù đã hơn 23h nhưng ông Nông Văn Giàng (quê Cao Bằng) vẫn trằn trọc tại chân cầu vượt đi bộ gần bệnh viện Bạch Mai. Ánh mắt đượm buồn, ông nằm nghĩ lại cảnh bị trộm mất tiền và giấy tờ khi xuống khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai.
“Trước ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội 2 ngày, tôi từ Cao Bằng xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Tuy nhiên, trên đường từ bến xe đến bệnh viện bị mất ví nên mất hết tiền và giấy tờ nên không thể vào khám bệnh cũng như về quê”, ông Giàng nói.
Trời sáng là phải đi chỗ khác tránh lực lượng chức năng
Một người hảo tâm tặng suất ăn cho anh Lò Văn Thành.
00h30 ngày 19/8, anh Lò Văn Thành (33 tuổi, quê Văn Chấn, Yên Bái) cùng 2 người khác nằm nghỉ dưới gầm cầu vượt đường vành đai 3 - đoạn trước cổng bến xe Mỹ Đình vẫn chưa thể chợp mắt do ngoài trời nhiều muỗi và nhớ nhà.
Từ Yên Bái xuống Hà Nội để làm phụ hồ, được 3 ngày thì Hà Nội giãn cách xã hội. Chủ thầu không bao ăn, nghỉ trong người lại không có tiền nên anh Thành đành phải đi lang thang. Hơn 20 ngày qua, anh Thành cùng những người khác sống nhờ sự giúp đỡ mọi người.
"Trời sáng là phải đi chỗ khác tránh, không dám nằm ở đây vì lực lượng chức năng không cho, đến tối mấy anh em mới ra đây ngủ...”, anh Thành nói.
Dù cuộc đời phải bon chen, kiếm sống từ nhỏ nhưng gần 20 năm qua, chưa bao giờ anh rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, khó khăn như những ngày vừa qua.
"May được mọi người và chính quyền cho cơm ăn, nước uống chứ không tôi cũng chẳng biết phải sống như thế nào. Nhiều lúc thấy mình còn khoẻ mạnh nhưng phải xin từng suất cơm cũng thấy ngại nhưng rơi vào hoàn cảnh này tôi không còn cách nào khác...", anh bộc bạch.
Bà người đàn ông nửa tháng qua đã phải chọn gầm cầu đường Vành đai 3 "làm giường"
Vẻ mặt đăm chiêu của thanh niên rơi vào cảnh thất nghiệp, không chỗ ở và không có tiền.
Gối ngủ chỉ là những miếng xốp.
Đêm Hà Nội ngày thứ 27 giãn cách xã hội, những con phố ồn ã, tấp nập xe cộ qua lại hằng ngày nhường lại cho sự tĩnh mịch. Tất cả ở đâu ở yên chỗ đó để thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Và đâu đó, vẫn còn những tâm tư trĩu nặng.
Nguyễn Hữu Thắng
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (134)