Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giây phút nín thở của nữ điệp báo trước máy đo sự thật

(DS&PL) -

Khi nhìn thấy chiếc máy, tôi khá lo lắng nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Bởi tôi biết, nếu hoảng loạn sẽ khó có thể thoát khỏi tay bọn chúng được”, nữ điệp báo Tám Thảo kể.

(ĐSPL) - “Một lần, tôi đang làm việc, bất ngờ 1 tên Thiếu tá Ngụy quyền đến và đưa tôi đi kiểm tra bằng “máy đo sự thật”. Đây là loại máy được quân Mỹ đem đến để kiểm tra các mật vụ. Nói rồi, hắn đưa tôi lên xe rồi chở đến 1 tòa nhà. Khi vừa nhìn thấy chiếc máy, tôi khá lo lắng nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Bởi tôi biết, nếu hoảng loạn sẽ khó có thể thoát khỏi tay bọn chúng được”, nữ điệp báo Tám Thảo kể lại với PV báo ĐS&PL.

Nữ điệp báo bước ra từ tiểu thuyết

Mặc dù đã bước vào tuổi 84 nhưng khuôn mặt bà Tám Thảo vẫn mang nét đẹp của 1 tiểu thư cành vàng lá ngọc. Nữ điệp báo Tám Thảo tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung (còn có tên gọi khác là Yên Thảo, SN 1932, quê gốc ở Bắc Ninh). Bà là tiểu thư trong một gia đình tư sản buôn bán tơ lụa bậc nhất Sài Gòn. Sống trong nhung lụa, sang giàu, ít người có thể đoán được bà lại là một nữ tình báo đa tài.

Chúng tôi gặp bà tại tư gia vào một ngày giữa tháng 10. Nói chuyện với PV, bà Tám Thảo bảo: “Đó là cái thời đã xa nhưng vô cùng hào hùng. Ngày đó, tôi và em gái đều đi theo cách mạng. Khi ấy, tôi chỉ mới 16 tuổi, sống trong gia đình khá giả nên thường xuyên được đọc tiểu thuyết anh hùng. Vì thế, cái chí khí ngất trời đó thôi thúc khiến tôi cống hiến tuổi trẻ của mình cho cách mạng”.

Tám Thảo cùng các điệp báo H63.

Đến khi bước chân vào công việc của một tình báo viên, bà mới hiểu được rằng, để có được những ngày tháng đẹp như những câu chuyện trong tiểu thuyết phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ và sự hy sinh. Cái hy sinh lớn nhất của nữ tình báo Tám Thảo chính là cống hiến cả tuổi trẻ. Để rồi khi tuổi thanh xuân đi qua, bà phải độc bước trên con đường dài của cuộc đời. Nhắc đến đây, bà gạt tay bảo: “Mặc dù không có con ruột nhưng tôi lại có những đứa con nuôi rất hiếu thảo. Sự hy sinh của tôi trong những năm tháng đó không phải là vô ích. Nó đã giúp tôi lấy được thông tin mật về cơ sở, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ tình báo một cách xuất sắc, góp phần tạo nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân ta”.

Được biết, quê gốc của bà Tám Thảo ở Bắc Ninh, sau đó gia đình bà chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Năm 16 tuổi, bà đã theo cha mẹ xuống Vĩnh Long bán hàng tơ lụa. Lúc này, bà cũng bắt đầu gia nhập cách mạng, tham gia rải truyền đơn cùng các chị em du kích. Chính những ngày tháng ở chiến khu đã giúp bà rèn luyện bản thân trở thành tình báo. Năm 1950, bà được kết nạp Đảng. Sau đó, Đảng bộ phân công bà về Trà Vinh mở tiệm may để làm cơ sở hoạt động.

Tuy nhiên, sau khi hoạt động ở Trà Vinh một thời gian, mọi người đều nhận thấy Tám Thảo không phù hợp hoạt động ở quê. Bởi từ tố chất đến con người bà đều toát lên nét đài các, sang trọng của một người dân thành thị. Vì thế, năm 1953, Đảng bộ đã đưa bà trở về Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực tình báo. Cũng chính từ quãng thời gian hoạt động này, nữ điệp báo (điệp viên tình báo-PV) Tám Thảo bắt đầu đảm nhận việc lấy thông tin, kết nối nhiệm vụ các nhà tình báo như Mười Hương, Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, Cụm trưởng cụm tình báo H63),... Năm 1964, dưới sự chỉ đạo của tổ chức, bà Tám Thảo có nhiệm vụ phải tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch. Chính vì thế, bằng vốn tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát, nữ điệp viên đã thi đậu vào làm trong cơ quan tình báo Hải quân của Mỹ. Bằng khả năng của mình, bà đã nhanh chóng lấy được lòng tin của các sĩ quan tình báo Mỹ. Tình báo Mỹ giao cho bà làm phiên dịch các tài liệu mật cho họ. Đây, chính là cơ hội để bà xâm nhập vào mạng lưới thông tin mật của địch chuyển về cho cơ sở của ta.

Đấu trí cùng... máy

Bà Tám Thảo kể rằng, để qua mắt địch, bà không chỉ sắm vai một người cần mẫn, tuyệt đối trung thành với bọn chúng mà còn phải có phong thái của con nhà giàu. Nhớ lại những ngày tháng đó, bà cười bảo: “Một lần, tôi đang làm việc, bất ngờ 1 tên Thiếu tá Ngụy vào đưa tôi đi kiểm tra bằng “máy đo sự thật”. Đây là loại máy được quân Mỹ đem đến Việt Nam chuyên kiểm tra các mật vụ tại phòng tình báo. Nói rồi hắn đưa tôi lên xe chở đến một căn phòng trống có “máy đo sự thật”. Khi vừa nhìn thấy chiếc máy, tôi khá lo lắng nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh”.

Sau ít phút quan sát, 1 tên sĩ quan nhìn bà nói: “Cô chỉ được nói tiếng Việt không quá 3 từ”. Cuộc kiểm tra bắt đầu: “Cô người Bắc hay Nam?”. “Bắc”. “Nhà cô có mấy anh chị em?” “3 chị em”. “Anh trai cô tập kết ra Bắc phải không?”. “Không có anh trai”. “Một năm cô nhận mấy bưu thiếp từ Bắc gửi vô?”. “Không có”,... “Bọn chúng hỏi đi hỏi lại tôi khoảng 20 câu như vậy làm tôi vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên, lúc đó, tôi nghĩ trong đầu rằng làm gì có máy đo sự thật. Đây chắc chắn chỉ muốn đo cảm xúc của mình xem có sợ hãi, lo lắng gì không. Vì xác định được tư tưởng vậy nên khi trả lời các câu hỏi, tôi rất bình tĩnh và quyết đoán. Sau khi cuộc kiểm tra kết thúc. Tôi bước ra ngoài cửa, tên Thiếu tá vẫn đứng chờ, tỏ vẻ sốt ruột, hỏi: “Sao cô ở trong đó lâu quá vậy?”. Tôi tỉnh bơ nói: “Anh hỏi sếp của anh ấy, làm sao tôi biết”. Hắn đưa tôi lên xe chở về phòng làm việc nhưng trong đầu tôi vẫn rất tự tin sẽ không có chuyện gì xảy ra”, nữ điệp viên kể lại.

Nữ điệp báo Tám Thảo. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn.

Tối đó về nhà, bà kể lại toàn bộ sự việc cho đồng chí Tư Cang (đang sống trong nhà với vỏ bọc là anh họ dưới quê lên) nghe. Lúc đó, anh Tư Cang cũng rất lo lắng. Mặc dù rất tin tưởng nữ đồng đội thông minh, sắc sảo nhưng đồng chí Tư Cang nói rằng bà vẫn phải phòng bị. Bởi, nếu có sơ hở gì, các mật vụ của ta cắm trong các cơ quan đầu não của địch sẽ khó bảo toàn. Vì thế, ngay sáng hôm sau, bà Tám Thảo đi làm sớm hơn mọi ngày với ý định dò hỏi kết quả từ tên Thiếu tá chỉ huy.

Vừa thấy hắn, bà giả vờ nũng nịu: “Tôi đã làm việc cùng anh hơn năm trời, vậy mà anh còn nghi ngờ tôi”. Gã này cười bảo “Đó là nguyên tắc. Ngay cả tôi cũng sẽ bị kiểm tra nếu thấy cần thiết. Kết quả của cô rất tốt, nếu không thì cô đã bị đưa đi ngay từ trưa hôm qua rồi”. Nghe được những lời nói đó, bà mới thực sự an tâm.

Sau lần kiểm tra này, nữ tình báo Tám Thảo càng chiếm được lòng tin của sĩ quan Mỹ nên công việc khá thuận lợi. Tuy nhiên, sau lần đó, bà cũng có nhiều phi vụ nằm trên lằn ranh giới sinh tử. “Đó là lần tôi chứng kiến cảnh mật vụ Mỹ bắt về 1 cán bộ trong lực lượng ta. Bọn chúng tra tấn dã man khiến tôi không thể chịu nổi. Lúc đó, tôi đã bàn với đồng chí Tư Cang phải cứu cho bằng được cán bộ này. Biết mình là tình báo mật không được tùy tiện dùng súng nhưng trước sự thúc giục cứu đồng đội của Tám Thảo, Tư Cang đành bắn 2 phát súng khiến 2 tên lính Mỹ ngã gục.

Sau khi xảy ra sự việc, quân Mỹ ra sức đi lục soát. Chúng đặc biệt chú ý tới nhà Tám Thảo nên soát rất kỹ. Bọn chúng soát từ chum nước, bếp, tủ giường, tủ thờ,... Rất may, lúc đó, bà đã hướng dẫn Tư Cang leo lên mái nhà trong nhà kho ẩn nấp. Khi bọn chúng đang định bước vào nhà kho kiểm tra, trước tình thế nguy bách, Tám Thảo đã xuất hiện trong bộ quần áo ngủ sang trọng. Lúc này, vẻ đẹp kiêu sa, đài các của bà cộng với công việc tại phòng tình báo Mỹ khiến cho bọn lính phải cúi đầu xin lỗi...

Một trong 5 điệp viên nổi tiếng

Trong quá trình tham gia làm tình báo lấy bí danh là Tám Thảo, bà là 1 trong 5 tình báo (Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba) đầu tiên của Cụm tình báo quân sự H63. H63 ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh) để phục vụ cho điệp viên nổi tiếng Hai Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) cử đi nước ngoài học. Sau khi từ Mỹ trở về, Hai Trung hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài do Mười Nho (Nguyễn Nho Quý - cán bộ Cục Tình báo) trực tiếp chỉ đạo. Năm 1962, Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63. Vì thế, Tư Cang được lựa chọn lên thay thế. Cụm tình báo H.63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả với những điệp viên tiêu biểu nhất.

HƯƠNG SEN – DƯƠNG HẠNH

Xem thêm video:

[mecloud]A2MsZzfMXe[/mecloud]

Tin nổi bật