(ĐSPL) - Theo các giáo viên mầm non, việc họ bị điều động đi làm "lễ tân" hay tiếp khách đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc các trẻ ở trường.
Như đã phản ánh trước đó, thời gian gần đây, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động cán bộ, giáo viên nữ trẻ đẹp để làm “lễ tân” trong các ngày lễ. Nhưng trên thực tế, họ đã bị một số người, bắt buộc hoạt động sai mục đích (tiếp khách ăn uống, bia rượu, hát hò…).
Việc này kéo dài, đã gây bức xúc cho chính người bị điều động và phản cảm trong dư luận.
Văn bản điều động giáo viên của UBND thị xã Hồng Lĩnh. |
"Sau buổi lễ, chúng tôi lại bị điều động đi ăn uống với quan khách tại các nhà hàng. Việc xuất hiện ở các bữa tiệc, ăn uống, chúc rượu khiến tâm lý chúng tôi rất ái ngại; ngay cả mặc gì cho phù hợp cũng đã thấy rất khó chứ chưa kể đến việc trong lúc chén bia, chén rượu… tránh sao khỏi những hành động khiếm nhã”, một cô giáo trong cuộc tâm sự.
Theo các giáo viên này, do có văn bản gửi về phòng và trường, nên các cô không thể từ chối khi bị ai điều động đi “tiếp khách”. Cùng với tâm lý e ngại, công việc chuyên môn vốn đã rất bận rộn với họ nên đối với các giáo viên mầm non, việc nghỉ đứng lớp để tham dự các buổi lễ, tham gia tiếp khách đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc các trẻ nhỏ.
“Mỗi lớp 2 cô, trung bình có khoảng 30 trẻ, công việc rất vất vả mà lại thường xuyên bị điều động, đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc cho các cháu. Gần đây, cứ bình thường thì chăm các bé, nhưng khi có lễ tiệc lại phải đi tiếp khách”, một giáo viên mầm non cho hay.
Liên quan sự việc này, một hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn Hồng Lĩnh thẳng thắn cho biết: “Tôi cũng đã được nghe các giáo viên tâm sự, phản ánh sự việc trên rồi. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ chính của các cô là dạy học. Nhà trường cũng đã có ý kiến lên phòng về việc này".
Tuy nhiên, trước phản ứng của giáo viên, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Hồng Lĩnh tỏ ra rất bàng quan: “Quan điểm của phòng, việc giáo viên tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn cũng là nhiệm vụ cần phải thực hiện”.
Theo quy định tại Luật viên chức 2010 Điều 36. Biệt phái viên chức 1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức. 2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định. 3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến. 4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. 5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức. Mặt khác, theo hướng dẫn tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì: 7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
PVMT
Xem thêm video:
[mecloud]XvDxShzhp5[/mecloud]