Báo Giao thông đưa tin, hiện nay, tình trạng xe máy "bỏ quên" trở thành vấn nạn đau đầu đối với các đơn vị trông giữ xe tại sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây và một số bệnh viện tại TP.HCM.
Cụ thể, tại nhà giữ xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất có hơn 650 xe, bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có khoảng 300 xe, bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) hơn 700 xe.
Nhiều xe trong số phương tiện này đã hư hỏng, biến dạng. Một số trường hợp phương tiện có thời gian gửi đã 5-7 năm, tiền giữ xe cao gấp nhiều lần giá trị xe.
Hiện các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các phương tiện bị bỏ quên, vừa gây mấy an toàn cháy nổ, lại chiếm nhiều diện tích bến bãi gây tình trạng qua tải và lãng phí vật chất... Để giải quyết vấn đề này cần có phương án chỉ đạo dứt điểm từ cơ quan chức năng.
Nhiều phương tiện bị "bỏ quên" ở Sân bay Tân Sơn Nhất 3-5 năm. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Về vấn đề này, vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các địa phương có sân bay, bến xe (có nhà giữ xe máy) phối hợp xác minh giải quyết, đặc biệt với xe là tang vật vụ án.
Cụ thể theo Dân trí, Thiếu tướng Lê Hồng Nam yêu cầu công an các địa phương có bến xe, sân bay, phối hợp xác minh giải quyết, đặc biệt xác minh các phương tiện là xe tang vật vụ án.
Đối với những xe khác, Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng các nhà xe có thể giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự.
Các chủ bãi xe, nhà xe có thể trao đổi, bàn giao về cơ quan công an để thực hiện thủ tục giám định, xác minh, tìm kiếm, đăng báo và tịch thu sung ngân sách Nhà nước theo quy định đối với tài sản vô chủ, vắng chủ, để quên theo quy định của pháp luật.
Tình trạng bãi để xe quá tải ở nhiều khu vực. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Thông tin về vấn đề này trên báo Giao thông, luật sư Nguyễn Tiến Hiểu - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, các trường hợp này đã có quy định cụ thể tại Điều 230 Bộ luật Dân sự.
Theo đó, nếu tài sản được xác định là đồ để quên thì kể từ thời điểm tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, chủ sở hữu chưa mất quyền sở hữu của mình đối với tài sản.
Do vậy, người phát hiện ra tài sản đó, ở đây là đơn vị trông giữ, nếu biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người sở hữu.
Trường hợp nếu đơn vị trông giữ xe không biết địa chỉ chủ phương tiện thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi gần nhất.
Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với các xe máy này được xác định như sau:
Nếu xe máy có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định thì người nhặt được sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nếu xe máy có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước.
Thẩm quyền để ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản trong trường hợp này sẽ do Chủ tịch UBND cấp quận/huyện theo khoản 7 Điều 7 chương II Nghị định 29/2018.
Theo đó, hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản nói trên. Sau thời điểm này, chủ sở hữu sẽ không có quyền đòi lại tài sản.
Bảo An (T/h)