Ngày 28/6, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ôtô được sản xuất, lắp ráp trong nước, Vietnam Plus đưa tin.
Theo đó, từ ngày 1/7 - 31/12, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Sau đó, từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định trước đó.
Giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.
Về số thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết thời điểm năm 2020 và năm 2022, dịch COVID-19 trong nước đã dần được kiểm soát song trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Bên cạnh đó, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Theo đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách.
Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách Nhà nước của các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế số thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP.HCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương, trong khi 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương).
Như vậy, không lâu sau khi được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tiếp tục nhận được "phao cứu sinh" trong bối cảnh thị trường ô tô đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm trở lại đây, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được ban hành. Trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay liên tục sụt giảm, chính sách này được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu, kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.
Thực tế những năm trước đây cho thấy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã trở thành "bài thuốc" hữu hiệu góp phần "cứu" thị trường ô tô khỏi nguy cơ khủng hoảng, theo báo Thanh niên.
Vân Anh (T/h)