Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải pháp khôi phục đầu tầu kinh tế sau nửa năm giãn cách xã hội

(DS&PL) -

Từ thực tế phòng chống dịch tại Tp.HCM, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những tác động của dịch bệnh đối với nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng hàng hóa và đề ra các giải pháp để địa phương lấy lại đà tăng trưởng.

Giải pháp huy động nguồn lực

TS.Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, Tp.HCM cần xác định những trụ cột cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng. Trong đó, đầu tiên là phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Tiếp đó, địa phương cần thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

“Với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp. Do đó, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” bằng các gói hỗ trợ tài chính và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế”, TS.Trần Du Lịch nhận định.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư, Tp.HCM cần được quan tâm thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn.

Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực hết mình để khôi phục kinh tế. Ảnh minh họa.

Cũng theo chuyên gia này, Tp.HCM phải xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng là 4 nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Cùng với đó là ngành xây dựng, ngành kinh doanh bất động sản và ngành du lịch.

Việc đưa ra chính sách hỗ trợ cho các nhóm ngành cần lựa chọn theo 3 tiêu chí là đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của Thành phố này, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.

Bên cạnh đó, địa phương cần chú trọng cải thiện hành chính công và quản trị công vì đây là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.

Tp.HCM có thể chủ trì, nghiên cứu cơ chế phối hợp chung giữa địa phương với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là với tỉnh Long An, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai trên các lĩnh vực như: quy hoạch và phát triển; giao thông kết nối; đào tạo, nguồn nhân lực, thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường.

Khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa

Trong khi đó, PGS.TS Trần Tiến Khai, Đại học Kinh tế Tp.HCM chỉ ra, quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Tp.HCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bị đứt gãy nghiêm trọng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thị trường tiêu dùng nội địa suy giảm, thậm chí đóng băng do hệ thống phân phối và bán lẻ ngưng hoạt động. Đồng thời hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không đủ năng lực đáp ứng khi bị dịch bệnh và các chính sách chống dịch tác động nặng nề.

Hậu quả là biên lợi nhuận của doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống ngành sản xuất đều giảm sút nghiêm trọng, thậm chí thua lỗ. Trạng thái thiếu động lực và năng lực duy trì sản xuất dẫn đến giảm quy mô sản xuất và/hoặc tạm thời ngưng sản xuất sản xuất đình trệ.

Vì thế, Tp.HCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có những giải pháp phục hồi nhanh chóng và hiệu quả, dựa trên liên kết vùng và tập trung vào những điểm cốt lõi. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động trực tiếp, gián tiếp trong toàn bộ hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng.

Tiếp đó, các địa phương cần thống nhất quy định giữa các tỉnh thành trên quan điểm phục hồi kinh tế toàn vùng để tránh tạo ra các rào cản hành chính đối với dòng dịch chuyển lao động và hàng hóa nội vùng. Các chính sách, thủ tục hành chính đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra cát cứ địa phương và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng.

Về chính sách tài khóa, Tp.HCM cần cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Cần tập trung ngân sách có trọng điểm cho các hoạt động tái đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành thâm dụng lao động bằng cách thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay).

Một giải pháp khác là chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động các khu công nghiệp. Theo đó, cần xem người lao động là đối tượng quan trọng để chăm lo, tạo dựng điều kiện sống bảo đảm cơ bản. Khi đời sống vật chất của công nhận được nâng cao, nền kinh tế Tp.HCM nói riêng và kinh tế cả nước nói chung sẽ thoát khỏi tư duy cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ để thu hút FDI.

Cấp bách xây dựng thương hiệu Tp.HCM

Nhìn rộng hơn về kinh tế vĩ mô, TS.Nguyễn Văn Hiến, Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, việc xây dựng thương hiệu sẽ nhấn mạnh các khía cạnh độc đáo của văn hóa Tp.HCM và năng lực sáng tạo, hình ảnh đô thị hấp dẫn.

Để khôi phục phát triển kinh tế với vai trò đầu tàu, Tp.HCM cần thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu thành phố trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng mục tiêu hướng đến.

Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, danh tiếng và thương hiệu Tp.HCM cũng đã bị tổn hại. Vì vậy, việc phục hồi danh tiếng và xây dựng thương hiệu thành phố hấp dẫn cung cấp nền tảng cho sự phát triển thành công.

“Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy sau bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng cần phải ưu tiên phục hồi danh tiếng và xây dựng lại thương hiệu địa phương. Trước mắt, cần tập trung để truyền thông một cách đáng tin cậy với phương châm là an toàn, cởi mở và thân thiện”, TS. Nguyễn Văn Hiến đánh giá.

TS.Nguyễn Văn Hiến.

Đầu tiên, cần xây dựng hình ảnh về Tp.HCM là nơi an toàn, thú vị và hấp dẫn để sinh sống, làm việc, học tập, tham quan du lịch, vui chơi giải trí và mua sắm. Thứ hai, phải đưa thành phố trở thành nơi hấp dẫn và đáng tin cậy để đầu tư. Thứ ba, tạo ra ý thức cộng đồng và tích cực thu hút các nhà đầu tư, nhân tài, du khách theo tầm nhìn thương hiệu năng động, sáng tạo và nghĩa tình, nhân văn và bền vững.

Nhìn rộng ra hơn về mối quan hệ giữa truyền thông và thương hiệu thành phố, cần một chiến lược điều hành, chiến lược phát triển cùng một chiến lược truyền thông phù hợp. Tất cả thông điệp từ chính quyền phải nhất quán, thông tin trên các kênh truyền thông phải đồng bộ và được kiểm soát tốt.

Xây dựng thương hiệu thành phố cần được coi là một chiến lược dài hạn được ưu tiên để thay đổi danh tiếng của thành phố trong một nền kinh tế rộng lớn hơn. Các tác động quản lý đối với các nhà quản lý thương hiệu bao gồm việc gia tăng nhận thức rằng các chiến lược xây dựng thương hiệu thành phố có thể khá đa dạng và cần phải phù hợp với tổng thể mục tiêu chính sách”, TS.Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Thành Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2(20)

Tin nổi bật