Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải pháp để lễ hội văn hóa, văn minh và an toàn

(DS&PL) -

Việc chấn chỉnh lễ hội lệch lạc, biến tướng cần có sự hưởng ứng tích cực, nghiêm túc từ cộng đồng địa phương, nơi diễn ra lễ hội và cơ quan quản lý cùng du khách.

Việc chấn chỉnh lễ hội lệch lạc, biến tướng cần có sự hưởng ứng tích cực, nghiêm túc từ cộng đồng địa phương, nơi diễn ra lễ hội và cơ quan quản lý cùng du khách về dự hội.

Không thể phủ nhận lễ hội truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhưng làm thế nào để lễ hội luôn được tổ chức một cách tiết kiệm, văn minh, lành mạnh, phát huy giá trị vốn có; ngăn chặn các hành vi, ứng xử thiếu văn hóa, phản văn hóa trong các mùa lễ hội tiếp theo? 

Có nhiều giải pháp hữu ích đã được nhà quản lý, nghiên cứu lâu năm chỉ ra. Theo đó, việc chấn chỉnh lễ hội lệch lạc, biến tướng cần có sự hưởng ứng tích cực, nghiêm túc từ cộng đồng địa phương, nơi diễn ra lễ hội và cơ quan quản lý cùng du khách về dự hội.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ: Đẩy mạnh tuyên truyền vẫn là giải pháp chủ yếu, quan trọng

Đến thời điểm hiện tại, lá ấn đền Trần vẫn được nhiều người tin sẽ đem lại may mắn trong việc thăng quan, tiến chức.

Mùa lễ hội 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được triển khai. Đây là cơ sở quan trọng, đưa ra định hướng xuyên suốt trong tổ chức lễ hội. 

Nghị định quy định các nguyên tắc tổ chức lễ hội mà còn quy định rất rõ ràng quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, Ban tổ chức lễ hội. Thay vì phải xin cấp phép, Ban tổ chức lễ hội chỉ cần đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý. Các địa phương được tăng quyền, tăng trách nhiệm trong quản lý tổ chức lễ hội. 

Các quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi trong bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, vừa thuận lợi, chặt chẽ hơn trong quản lý tổ chức. Đặc biệt, Nghị định cho phép cơ quan có thẩm quyền được quyền yêu cầu tạm ngừng tổ chức lễ hội nếu lễ hội sai lệch nội dung, giá trị, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội… Vì vậy, khi lễ hội vi phạm các quy định này, cơ quan quản lý có thể dừng, ngăn chặn ngay, không phải chờ đợi như trước. 

Tuy nhiên, Nghị định chỉ là một trong số các “cây gậy” pháp lý ngăn chặn, xử lý những lễ hội có biểu hiện lệch lạc. Mùa lễ hội năm 2019 vẫn còn những ứng xử văn hóa méo mó, mất an ninh trật tự. Cơ quan quản lý mới chỉ thực hiện tạm dừng tổ chức và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, dành thời gian để Ban tổ chức, cộng đồng tiếp tục tìm cách điều chỉnh các nội dung hoạt động chưa phù hợp. 

Lễ hội là của cộng đồng, trước tiên phải phục vụ chính cộng đồng đó. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động cộng đồng, người tham gia lễ hội thực hiện đúng các quy định của pháp luật vẫn là giải pháp chủ yếu hiện nay. Để xử phạt người dự lễ hội rất khó và càng không thể xử phạt theo ý chí chủ quan. 

Ví dụ như lễ hội Phết của xã Hiền Quan, năm nay, Ban tổ chức đã buộc tạm dừng phần tranh phết vì không đảm bảo an ninh trật tự theo đề án đã xây dựng và được thông qua trước đó. Với những người dự hội, tự ý tràn vào tranh phết, bất chấp quy định của Ban tổ chức và ngăn cản của lực lượng an ninh thì không thể xử phạt. Họ chỉ tràn vào tranh phết. Số người tràn vào quá đông trong cùng một lúc, lực lượng chức năng muốn giữ cũng không giữ được vì pháp luật quy định rất rõ ràng, người vi phạm đến mức độ nhất định mới bị tạm giữ.

Giáo sư Trần Lâm Biền: Phải làm cho nhân dân hiểu giá trị thực của lễ hội

Số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội. Vì thế cần chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ những người thực hiện các nghi thức lễ hội. Hiện nay, nhiều người thực hành nghi lễ không hiểu bản chất của lễ hội. Thực tế, không phải lễ hội bị phục dựng quá đà, mà chính là việc thực hành nghi thức bị làm quá đà. Điều này cần đến sự quản lý của các cơ quan nhà nước cao nhất.

Người dân không tự làm ra lễ hội, mà chỉ là một bộ phận những người hành lễ. Cần chấn chỉnh từ việc hành lễ đầu tiên, sau đó mới bàn đến vấn đề “cuồng tín” của người dân. Nếu không hiểu được cặn kẽ ý nghĩa các lễ hội thì nên tạm dừng lại để tìm hiểu rồi mới tiếp tục cho tổ chức.

Bên cạnh đó, cần bắt đầu thay đổi từ nhận thức của người đi lễ. Các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền để người dân hiểu rằng, việc đi lễ nhiều, hết chùa này đền khác, đi đền chùa nhiều kiểu chạy sô, càng đi nhiều và càng dâng lễ vật mâm cao cỗ đầy càng đắc lợi là không đúng. Mỗi người cần trước hết tin vào “ngôi chùa” ở ngay trong tâm hồn mình và đi lễ hội là để xác nhận mình trong không gian tâm linh trời đất, trong cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Cần sự tham gia tích cực của các nhà khoa học để trả ý nghĩa nguyên bản của lễ hội

Có thể nói, cơ bản 8.000 lễ hội ở Việt Nam hiện nay được tổ chức khá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những lễ hội còn tồn tại những phản cảm, gây tranh cãi như lễ hội cướp Phết Hiền Quan, lễ hội cướp giò hoa tre, lễ hội khai Ấn đền Trần… Nguyên nhân là do các lễ hội này hiện nay đã thu hút lượng người tham gia gấp nhiều lần so với trước. Vì vậy, công tác tổ chức đã không đáp ứng kịp nhu cầu của người tham gia. 

Ví dụ như hội cướp Phết Hiền Quan. Trước đây, người ta cử đại diện ra để tranh phết. Những người được cử, nếu cướp được phết thì đó cũng là thành quả chung của một tập thể. Ngày nay, hàng trăm thanh niên lao vào cướp một quả phết bé xíu nên khó tránh được tình trạng bạo lực.

Trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt. Ví dụ như hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), năm 2018 đã bị tạm dừng tổ chức để chấn chỉnh. Mới đây nhất, lễ hội cướp Phết Hiền Quan cũng đã bị dừng tổ chức phần cướp phết khi cơ quan chức năng nhận thấy công tác tổ chức khó đảm bảo về vấn đề an ninh trật tự. Nhưng tôi cho rằng, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Để lễ hội được diễn ra văn minh, an toàn, tôi nghĩ, ngoài cơ quan quản lý phải vào cuộc một cách rốt ráo, chúng ta cần thêm đội ngũ các nhà khoa học. Họ sẽ là những người nghiên cứu để có các chứng cứ, luận cứ khoa học, trả lễ hội về đúng với bản chất của nó, từ đó tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị thực của lễ hội.

Bên cạnh đó, các nhà tổ chức cũng cần tham khảo hoặc đặt hàng giới chuyên môn về công tác tổ chức, từ đó có thể trên nền tảng lễ hội cũ, họ sẽ tư vấn cách tổ chức lễ hội sao cho hợp lý nhất, tránh bị biến tướng và phát triển đa dạng theo hướng tích cực. Từ đó, tự nhân dân sẽ thấy được giá trị thực của lễ hội và ủng hộ.

Nguồn: Công an nhân dân

Tin nổi bật