Nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Bialiatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và Trung tâm tự do dân sự của tổ chức nhân quyền Ukraine đã được xướng tên tại lễ trao giải Nobel Hoà bình 2022. Theo uỷ ban, giải Nobel Hoà bình năm nay nhằm vinh danh những người đóng góp xây dựng "cuộc sống hoà bình" trong thời kỳ hỗn loạn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.
Bà Berit Reiss-Andersen, chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, cho biết: "Những người đoạt giải Nobel Hoà bình năm nay đại diện cho xã hội dân sự ở chính đất nước họ. Trong nhiều năm, họ đã thúc đẩy sự phản đối quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân".
Theo đó, bà cũng kêu gọi Belarus thả nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski để ông có thể tới lễ trao giải vào ngày 10/12 tại Oslo (Na Uy).
Ủy ban cho biết họ đã chọn 3 người đoạt giải để vinh danh những nhà vô địch của "nhân quyền, dân chủ và chung sống hòa bình" ở Belarus, Nga và Ukraine.
Nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski. Ảnh: Twitter
Trong đó, ông Bialiatski, người đứng đầu nhóm nhân quyền Belarus có tên Viasna, đã bị bắt giữ vào tháng 7/2021 sau các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ. Ông là người thứ tư nhận giải Nobel hòa bình khi đang ở tù hoặc bị giam giữ, sau ông Carl von Ossietzky của Đức năm 1935, bà Aung San Suu Kyi của Myanmar năm 1991 và ông Liu Xiaobo của Trung Quốc năm 2010.
Từ Ukraine, Trung tâm Tự do Dân sự đã gửi tuyên bố "cảm ơn cộng đồng quốc tế vì sự hỗ trợ" và khẳng định giải thưởng "rất quan trọng đối với chúng tôi". Trung tâm Tự do Dân sự được thành lập năm 2007 và đã ghi lại nhiều hành vi thiếu nhân quyền trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng ở Ukraine.
Người thứ 3 được gọi tên ở giải Nobel Hoà bình 2022 là tổ chức nhân quyền Nga Memorial. Tổ chức thành lập vào cuối những năm 1980 để ghi lại các cuộc đàn áp dưới thời Liên Xô, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nạn nhân của cuộc Đại khủng bố. Tổ chức này đã bị đóng cửa vào năm ngoái. Vào thời điểm đóng cửa, Memorial là nhóm nhân quyền lâu đời nhất của Nga.
Minh Hạnh (Theo Guardian)