Việc đặt tên cho sếu đầu đỏ gắn với hành trình của Đồng Tháp "đưa đàn sếu trở về" với sự chung tay của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế theo đề án Bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Theo tin tức trên VnExpress, Tha Vi là tên do do ông Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch Quốc hội, đặt cho sếu trống. Tha - Vi là viết tắt của Thái Lan - Việt Nam, mang ý nghĩa mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị giữa hai nước, đồng thời cũng là quê nhà của sếu - Vườn thú Korat với "ngôi nhà mới" tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tha Vi được phát âm gần giống với một từ trong tiếng Thái có nghĩa là "tăng lên" hoặc "nhiều hơn". Tên gọi cũng là sự gửi gắm của người đặt mong muốn đàn sếu sớm thích nghi và liên tục sinh sôi tại nơi ở mới.
Ti Ci là tên của sếu trống do tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, đặt. Ti Ci có nghĩa là Tràm Chim và cũng biệt danh người bạn thân thiết của ông Triết, từng công tác tại vườn quốc gia này.
Đàn sếu được đưa về nuôi ở Tràm Chim. (Ảnh: VnExpress)
Bạn Mít là tên do Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (đơn vị đồng hành cùng đề án). Trong đó từ Mít là phiên âm Việt của một từ đơn âm tiếng Thái, có ý nghĩa là thân thiện, tình bạn. Tên gọi của sếu thể hiện tình bạn, tình hữu nghị giữa rất nhiều cá nhân và tổ chức từ Việt Nam, Thái Lan và quốc tế vượt qua mọi rào cản để cùng thực hiện đề án bảo tồn sếu.
Tên gọi Phúc Viên do Thảo Cầm Viên đặt với hàm ý mong đàn sếu hạnh phúc viên mãn và cũng là niềm hạnh phúc của vườn thú khi tham gia đề án bảo tồn sếu.
Tuổi trẻ cho hay, Tân Nguyên là tên do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đặt với ý nghĩa là khởi nguồn mới - kỷ nguyên mới, mang thông điệp của sự tái sinh, hồi phục và bắt đầu một vận hội phát triển mới.
Lotus là tên do Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) đặt. Lotus là con sếu có chip 4114 được Vườn thú Korat đặt theo tên của giám đốc ZPOT bà Chongkolnee Kaewsod nghĩa là hoa sen.
Phía Đồng Tháp đặt mục tiêu trong 10 năm sẽ nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Tỉnh đặt kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gầy đàn ngoài tự nhiên.
Sếu đầu đỏ có phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sau ba năm tuổi, sếu bắt cặp sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.