Ông Thuýn được mệnh danh là “người vác tù và” hay “shipper 0 đồng”, khi thường xuyên đến các hộ dân, đóng khoai, chạy xe gửi cho khách hàng.
Việc giải cứu khoai giúp dân rất vất vả nhưng ông Thuýn luôn tươi cười. Ảnh: Dân Trí |
Năm nay, do gặp đợt dịch Covid-19, người trồng khoai ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vô cùng xót xa khi bình thường họ bán được 13- 15 nghìn/kg khoai tại gốc, thời điểm này chỉ còn 10 nghìn/kg và phải vận chuyển đến tận nơi.
Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong) cho biết, gia đình chị trồng 4 sào khoai lang, với năng suất khoảng 5 tạ/sào bình thường sẽ cho thu nhập hơn 5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19, các hàng quán tiêu thụ ít nên giá cả thấp, đầu ra gặp nhiều khó khăn. Nếu như lúa, ngô... còn có thể cất dự trữ để chăn nuôi chứ sản phẩm khoai lang không bảo quản được lâu, dùng làm thức ăn chăn nuôi cũng hạn chế.
Toàn xã Kỳ Phong có khoảng 12 ha khoai Hoàng Long với sản lượng ước chừng trên 100 tấn. Những ngày qua, mặc dù đã vào vụ thu hoạch nhưng việc tiêu thụ khó khăn nên hội đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ giúp nông dân bán hàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phong - ông Nguyễn Hải Thành cho biết.
Những ngày này, hình ảnh ông Nguyễn Văn Thuýn - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh), trở nên thân thuộc với bà con hơn bao giờ hết.
Ông Thuýn được mệnh danh là “người vác tù và” hay “shipper 0 đồng”, bởi chỉ cần có thông tin từ các cấp hội phía trên báo về có mối tiêu thụ khoai lang là ông Thuýn lại đến các hộ dân, đóng khoai thành từng gói rồi chạy xe máy 6-7km ra quốc lộ để gửi cho khách hàng.
Chia sẻ về việc mình làm, ông Thuýn bộc bạch, bản thân là Chi hội trưởng nông dân của thôn, ông luôn có trách nhiệm giúp bà con phát triển sản xuất. Khi khó khăn, cũng phải là người đi đầu giúp nông dân từng bước vượt qua.
"Mình là người đi đầu, đề xuất và thực hiện chủ trương, khuyến nghị bà con sản xuất giống mới. Khi không tiêu thụ được, mình phải có trách nhiệm giải cứu cho bà con. Với những việc làm có thể giúp được người nông dân vươn lên, đặc biệt được sự ủng hộ của gia đình thì khó khăn mấy tôi cũng không nề hà." - ông Thuýn nói về việc giúp người dân giải cứu nông sản.
Ngoài việc tích cực tìm đầu mối giải cứu khoai cho dân, ông Thuýn còn tự bỏ tiền xăng xe, công sức vận chuyển.
Được biết, ông Nguyễn Văn Thuýn là 1 trong 3 thành viên Ban thường vụ Hội Nông dân xã Kỳ Phong, nhiều năm liền ông đều được Hội Nông dân các cấp xã, huyện tặng Giấy khen về những đóng góp tích cực trong công tác hội.
Cũng liên quan tới việc giải cứu nông sản, mới đây, anh Lê Duy Toàn (Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh) cùng cộng sự đã nghiên cứu ra loại bún dưa hấu và bánh tráng thanh long mới lạ.
Với công thức 40% nước ép dưa hấu và 60% còn lại là bột gạo trộn chung, sau đó được ép thành từng sợi bún tươi có màu vàng cam đẹp mắt và hương vị thơm ngon, sản phẩm ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường trong nước và nước ngoài.
Sản phẩm bún làm từ thanh long của công ty Duy Anh. Ảnh: Zing.vn |
Đáng chú ý, lô hàng bún dưa hấu đầu tiên vừa ra lò 400 thùng đã được xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Với việc cho ra dòng sản phẩm mới này, doanh nghiệp vẫn chưa tính đến chuyện lãi lỗ mà chỉ mong hỗ trợ cho nông dân, do đó giá thành cho thị trường nội địa sẽ ở mức chia sẻ: bún dưa hấu có giá từ 10.000 - 12.000 đồng và bánh tráng thanh long 15.000 đồng/gói 200g.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng thêm các sản phẩm tương tự như: mỳ, bánh hỏi, bún bò Huế kết hợp với nhiều dòng nông sản khác.
Anh Duy Toàn cho biết những sản phẩm trên được sản xuất trên dây chuyền và thiết bị công nghệ hiện đại, nhà máy đạt các tiêu chuẩn cao của Mỹ, EU. Việc nghiên cứu cho ra những sản phẩm từ dưa hấu, thanh long là tôn chỉ lâu nay anh theo đuổi, nhằm làm gia tăng giá trị nông sản Việt Nam, giúp nông sản có thêm đầu ra ổn định.
Mộc Miên (T/h)