Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gia tăng số người khai báo xin cấp lại bằng lái xe: Lo ngại phát sinh gian dối để đối phó với "lá chắn" kết nối thông tin

(DS&PL) -

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP số người đến kê khai cấp lại bằng lái xe đã gia tăng hơn bình thường.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, số người đến kê khai cấp lại bằng lái xe đã gia tăng hơn bình thường. Thực tế này đang đặt ra lo ngại về việc báo mất để được cấp lại nhằm đối phó lực lượng chức năng.

Kiên quyết xử lý nghiêm

Thống kê của cục Cảnh sát giao thông (bộ Công an) cho biết, sau 1 tháng (từ 1/1 - 31/1/2020) triển khai xử lý vi phạm theo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý phát hiện xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 53 tỷ 155 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Thanh Hóa (970 trường hợp), Đắk Lắk (914 trường hợp), Tây Ninh (886 trường hợp), Bắc Giang (789 trường hợp), Đồng Nai (696 trường hợp), TP.HCM (672 trường hợp),...

Ngoài quy định nghiêm cấm, tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Nghị định 100/2019 còn tăng mức phạt tiền với nhiều lỗi vi phạm so với quy định cũ, đặc biệt là tăng thời gian tước GPLX lên đến 2 năm.

Sau khi bắt đầu thực hiện Nghị định 100, số hồ sơ báo mất, xin cấp lại bằng lái đang tăng đột biến

Cũng từ đó, số lượng người khai báo mất, xin cấp lại GPLX đã bắt đầu tăng lên. Chỉ riêng tại phòng Cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tăng khoảng 30% trường hợp. Ông Lương Duyên Thống, Vụ Trưởng vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, không chỉ lái xe kinh doanh vận tải sợ “mất nghề” mà ngay cả người lái xe không chuyên nghiệp cũng rất sợ thu giữ GPLX. Sau khi Nghị định 100/NĐ-CP ban hành, có tình trạng người dân chưa vi phạm giao thông nhưng vẫn giả khai báo mất, làm sẵn vài chiếc đề phòng khi vi phạm bị CSGT giữ hoặc tước GPLX.

“Theo quy định, sau hai tháng mà cơ quan quản lý xác minh không phát hiện họ vi phạm bị tước hoặc giữ bằng lái thì phải cấp lại theo yêu cầu. Tiếp tục như thế, sau hai tháng có thể lại làm tiếp thêm một chiếc GPLX. Nếu không có trao đổi, không tra cứu thì không phát hiện được người đó sử dụng GPLX đã giả khai báo mất”, ông Thống cho hay.

Tuy nhiên, mỗi GPLX đều có mã số và số phôi khác nhau. Cơ sở dữ liệu sẽ lưu lại số phôi của GPLX hợp lệ sau cùng, còn GPLX đã báo mất là không hợp lệ và không được phép sử dụng. Nếu lực lượng CSGT không tra cứu trên cơ sở dữ liệu, chỉ ra quyết định thu giữ thì thu giấy phép này họ sẽ có GPLX khác. Để phát hiện ra hành vi này, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT thu giữ GPLX cần tra cứu vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để biết GPLX đó có hợp lệ hay không. Nếu đã bị thu giữ GPLX và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu sẽ không cấp lại được. Trong trường hợp làm giả, hành vi đó sử dụng giấy tờ giả.

Không thể đối phó, trốn tránh pháp luật

Đánh giá về lo ngại này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, bất kỳ một luật hay quy định nào sau khi ban hành cũng xuất hiện một bộ phận đối tượng tìm cách đối phó, trốn tránh.

Hệ thống liên kết dữ liệu giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cục Cảnh sát giao thông vẫn còn bất cập

“Việc khai báo mất GPLX là quyền của người dân, tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý thuộc phạm vi trách nhiệm của lực lượng chức năng. Ngoài xử phạt tiền với lỗi vi phạm, người điều khiển xe sẽ thêm tình tiết tăng nặng, đó là sử dụng GPLX không hợp lệ. Đây là vấn đề quan trọng cần thông tin đến người dân, để nâng cao tính răn đe. Tước GPLX là chế tài dành cho những hành vi uy hiếp đến an toàn giao thông. Những người có GPLX đều là những người biết rõ quy định của pháp luật mà vẫn vi phạm phải bị trừng phạt. Anh biết rằng có thể bị tước GPLX, mất cơ hội làm việc mà vẫn vi phạm, gian dối xin cấp lại, lỗi hoàn toàn thuộc về cá nhân người đó, không thuộc về quy định pháp luật. Họ đã cố tình coi thường pháp luật, coi thường chính nghề nghiệp của mình. Nếu họ qua mặt được CSGT, sử dụng bằng giả, tiếp tục tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người thì lúc đó hậu quả sẽ thế nào”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn luật sư Trần Thị Miền, đoàn Luật sư TP.HCM nêu ý kiến, pháp luật đã có quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm về giao thông. Đơn cử, lực lượng có thẩm quyền có thể khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...

“Tuy nhiên, trước giờ các nơi đã không tổ chức được lực lượng làm các việc này. Tới đây, các cơ quan chức năng cần tính thêm những biện pháp hỗ trợ để người vi phạm vì ngại gặp những rắc rối pháp lý khác nên sẽ tự giác đóng phạt trong thời hạn quy định. Chẳng hạn, có thể tham khảo cách làm của nước ngoài như người không đóng phạt sẽ bị tăng tiền bảo hiểm xe hoặc bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn...”, luật sư Miền đề xuất.

Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu

Từ tháng 6/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với cục CSGT kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT. Khi CSGT kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị CSGT tạm giữ, bị xử lý vi phạm khi cấp lại GPLX. Công tác phối hợp ở mức tra cứu thông qua tài khoản mà chưa có sự kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dùng chung. Việc tra cứu vẫn mang tính thủ công, khi cấp lại GPLX, cơ quan cấp GPLX truy cập vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của lực lượng CSGT thông qua tài khoản để tra cứu....

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 28

Tin nổi bật