Theo VOV, bệnh nhân tử vong là chị L.V.N. (sinh năm 2001, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Ngày 5/10, bệnh nhân khởi phát bệnh với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue điều trị tại nhà. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không đỡ, mệt nhiều, ăn uống kém, đau bụng vùng thượng vị.
Ngày 10/10, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê. Qua thăm khám, bệnh nhân nôn ói nhiều, đau hạ sườn phải, mệt nhiều, ăn uống kém, gan lớn 3 cm dưới bờ sườn, chẩn đoán: Sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 5.
Ngày 10/10, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê sau đó được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Ảnh: Tạp chí Thương hiệu & Công luận.
Ngày 11/10, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm với chẩn đoán: Sốc/sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 6 không đáp ứng bù dịch và vận mạch/nhiễm trùng huyết/suy đa tạng. Sau hơn 1 ngày điều trị, bệnh nhân không đỡ và tử vong ngày 12/10. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật MAC-ELISA, có kết quả dương tính.
Được biết, trong tuần, Gia Lai ghi nhận thêm 186 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 4.170 ca; trong đó có 2 trường hợp tử vong. Các huyện có nhiều ca bệnh nhất gồm: Đức Cơ 738 ca, Chư Prông 601 ca, Krông Pa 453 ca, TP. Pleiku 473 ca, thị xã An Khê 424 ca… Dịch bệnh xảy ra ở 191/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, dự kiến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp từ nay cho đến hết năm 2023. Do đó cần có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ chính quyền địa phương các cấp, ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để triển khai các hoạt động phòng-chống sốt xuất huyết không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng, thông tin trên báo Gia Lai.
6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh... Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Thùy Dung (T/h)