Trung bình mỗi ngày có hơn 200.000 chuyến bay cất cánh và hạ cánh trên khắp thế giới. Các chuyến bay này bao gồm máy bay thương mại, chở hàng và máy bay thuê cũng như máy bay phản lực kinh doanh, máy bay tư nhân, máy bay trực thăng, máy bay cứu thương, máy bay chính phủ và quân sự, máy bay không người lái, khinh khí cầu và tàu lượn.
Hầu hết, các máy bay này đều được trang bị bộ phát đáp vệ tinh, một thiết bị truyền thông tin về vị trí máy bay và dữ liệu chuyến bay đến trung tâm kiểm soát không lưu. Các tín hiệu này có thể được thu lại bằng bộ thu dựa trên công nghệ gọi là ADS-B, tức là Phát sóng-Giám sát Phụ thuộc Tự động. Nhìn chung, đó là những gì trang web theo dõi chuyến bay thực hiện, cung cấp cho người dùng hình ảnh theo thời gian thực về mọi thứ diễn ra trên bầu trời.
Lượt truy cập "khủng"
Trong số các trang web theo dõi chuyến bay, Flightradar24 là một "địa chỉ" được nhiều người dùng trên thế giới tin tưởng và lựa chọn. Ông Ian Petchenik, giám đốc truyền thông của trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24, một phần của nhóm các dịch vụ theo dõi chuyến bay phổ biến cùng với FlightAware và Plane Finder, cho biết trang web được thành lập ở Thụy Điển vào năm 2006 một cách "hoàn toàn tình cờ" về dịch vụ so sánh giá chuyến bay.
Trang web này lần đầu tiên được thế giới chú ý và công nhận vào năm 2010 khi núi lửa Iceland phun trào khiến hàng nghìn chuyến bay bị hoãn và thu hút 4 triệu du khách tới đây. Ông Petchenik kể lại: "Đó chắc chắn là bước đột phá đầu tiên của chúng tôi, cho thấy các sự kiện quốc tế và việc hiển thị lưu lượng hàng không cho công chúng trong thời gian thực có thể ảnh hưởng như thế nào. Số lượt truy cập mà chúng tôi nhận được có thể đã làm sập trang web".
Ngày càng có nhiều người truy cập trang web theo dõi các chuyến bay. Ảnh: CNN
Nhiều người dùng Internet đã truy cập vào Flightradar24 để theo dõi một vài chuyến bay của những nhân vật chính trị nổi tiếng thế giới, như chuyến bay trở về Nga của lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny vào tháng 1/2021. Trong đó, chuyến bay vào tháng 1/2021 đã thu hút hơn 550.000 lượt theo dõi, vượt xa kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 4/2020, khi gần 200.000 người theo dõi một chiếc Boeing 777 vẽ biểu tượng hình lưỡi liềm và ngôi sao trên quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ trên bầu trời Ankara, nhân kỷ niệm 100 năm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, vào tháng 9/2017, hàng nghìn người đã truy cập Flightradar24 để theo dõi thông tin một chiếc Delta Boeing 737 dũng cảm bay thẳng qua cơn bão Irma để hạ cánh xuống Puerto Rico, và cất cánh sau đó 40 phút bằng cách định vị cẩn thận các khoảng trống giữa cơn bão.
Bên cạnh các sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của dư luận, lượt người truy cập Flightradar24 hiện nay cũng không ngừng tăng lên. Ông Petchenik chia sẻ: "Chúng tôi thấy có rất nhiều người truy cập trang web để dõi theo người thân của họ, chuyến bay của chính họ và các chuyến bay theo kế hoạch để đảm bảo rằng máy bay sẽ đến".
Ông tiếp tục: "Một số trường hợp khác là những người yêu thích hàng không hoặc muốn theo dõi một số loại máy bay nhất định. Họ có thể đến sân bay, kéo ứng dụng lên và xem điều gì sắp xảy ra".
Dữ liệu được khai thác thế nào?
Để thu thập thông tin, Flightradar24 đã xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin ADS-B, hiện nay được cho là mạng lưới lớn nhất thế giới với khoảng 34.000 đơn vị, bao phủ cả những khu vực xa xôi như Nam Cực.
Khoảng 1/4 số máy thu do Flightradar24 tự chế tạo, nhưng phần lớn được lắp ráp bởi những người đam mê cung cấp dữ liệu trên cơ sở tự nguyện. Bởi vì việc xây dựng một bộ thu tương đối rẻ - các linh kiện có giá khoảng 100 USD - nhiều người đã đăng ký tham gia kể từ khi Flightradar24 bắt đầu mở cho công chúng vào năm 2009.
Flightradar24 có máy thu trên toàn cầu, bao gồm cả những địa điểm xa xôi như Nam Cực. Ảnh: CNN
Giải thích về cách khai thác các dữ liệu ở những khu vực xa xôi hẻo lánh trên, ông Petchenik nói: "Bằng cách tìm kiếm các hòn đảo ở bất cứ nơi nào chúng tôi có thể và đảm bảo rằng chúng tôi có thể lắp đặt máy thu dữ liệu. Nhưng gần đây, chúng tôi đã chuyển sang máy thu ADS-B dựa trên vệ tinh, để có thể theo dõi máy bay trên đại dương tốt hơn. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu chủ yếu nhất vẫn là mạng lưới trên mặt đất".
Việc sở hữu một lượng dữ liệu chi tiết và được bản địa hóa như vậy sẽ giúp mọi người cái nhìn sớm về các trường hợp khẩn cấp và tai nạn. Ông Petchenik giải thích: "Chúng tôi lưu trữ mọi thứ vào máy chủ của mình và nếu cần, chúng tôi có thể sử dụng một bộ thu cụ thể và trích xuất dữ liệu thô. Điều đó thường chỉ được thực hiện khi có tai nạn hoặc nếu chúng tôi có yêu cầu từ nhà cung cấp dịch vụ định vị hàng không hoặc chi nhánh điều tra tai nạn".
Đôi khi, dữ liệu có thể tiết lộ nguyên nhân của sự cố trước khi có cuộc điều tra chính thức. Trong trường hợp chuyến bay Germanwings 9525, khi phi công phụ cố tình bay vào núi ngày 24/3/2015, dữ liệu đã phác thảo một bức tranh rất rõ ràng. Giám đốc truyền thông Flightradar24 chỉ ra: "Một trong những thông số xuất hiện trong bộ dữ liệu đầy đủ nhất, mà chúng tôi nhận được trong trường hợp chuyến bay Germanwings, được gọi là MCP ALT - có tác dụng giúp máy bay tự động biết độ cao cần bay. Nhìn vào dữ liệu trên máy bay đó, giá trị độ cao được đặt thành 0".
Tuy nhiên, không phải tất cả dữ liệu đều có sẵn cho mọi máy bay vì điều đó phụ thuộc vào loại bộ phát đáp và bộ thu liên quan.
Chủ sở hữu hoặc nhà khai thác máy bay cũng có thể quyết định ngăn không cho dữ liệu của họ hiển thị công khai, phổ biến nhất là đối với máy bay quân sự, chính phủ hoặc máy bay tư nhân. Ví dụ, họ có thể đăng ký một chương trình như LADD, tức là "Giới hạn dữ liệu máy bay được hiển thị", được Cục Hàng không Liên bang duy trì.
Ông nói thêm: "Nó cho phép các nhà khai thác hiển thị dữ liệu của họ theo cách khác, ẩn danh hoặc, trong một số trường hợp, hoàn toàn không được hiển thị. Trong tổng số máy bay mà chúng tôi theo dõi hàng ngày, khoảng 3% có một số loại có quy định hiển thị dữ liệu".
Minh Hạnh (Theo CNN)