Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, tại Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022, Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Thời gian qua, hàng loạt chính sách đã được ban hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí…
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ngoài các giải pháp tài chính, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế.
Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, đã có trên 851.000 doanh nghiệp và trên 65.000 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ hóa đơn điện tử.
Bên cạnh hóa đơn điện tử, ngành Thuế triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua cổng, trong đó có 6 tập đoàn công nghệ lớn gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua cổng là hơn 9.000 tỷ đồng.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, kết quả nói trên đã đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước chuyển quan trọng, khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số xuyên biên giới.
XEM THÊM: Một quỹ đầu tư của Mỹ cam kết mua 1 tỷ USD cổ phiếu VinFast
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn trong quản lý về thuế, hải quan và các quản lý khác. Trước mắt, ngành Thuế chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đề xuất các chính sách hỗ trợ tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển.
“Tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn để đưa doanh nghiệp phát triển, đưa đất nước phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng thông tin điện tử phục vụ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Trong khi đó, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, ngành Thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức hiệu quả cao nhất.
Trong các trụ cột chiến lược, theo ông Thành, trụ cột quan trọng là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, ngành Thuế xác định một số nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của người nộp thuế.
Thứ hai, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.
Thứ ba, xây dựng các chương trình cùng với người nộp thuế nâng cao tính tự nguyện tuân thủ của người nộp thuế, qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và người nộp thuế giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.
Đinh Kim (T/h)