Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EU thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhất trí cấm nhập khẩu than đá

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Gói trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm trị giá 10 tỷ euro đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Nga, bao gồm hàng hóa công nghệ cao.

Euro News đưa tin, ngày 7/4, đại diện của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn gói trừng phạt thứ năm đối với Nga, bao gồm cấm vận đối với than đá nhập từ Nga, đóng cửa các cảng biển của khối đối với tàu Nga, cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga. Khối lượng xuất khẩu của Nga bị lệnh trừng phạt nhắm đến trị giá khoảng 10 tỷ euro.

Xuất khẩu than đá của Nga là một trong nhiều mục tiêu của gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh: Bloomberg

Vòng trừng phạt mới cũng bao gồm việc đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết trong một bài đăng trên Twitter: "Gói trừng phạt chống Nga có ý nghĩa này mở rộng các biện pháp trừng phạt sang các lĩnh vực mới."

Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu cũng nêu rõ: “Gói này cung cấp các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà tài phiệt, các nhà tuyên truyền của Nga, những thành viên trong bộ máy an ninh, quân sự và nhiều tổ chức trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ có liên quan đến cuộc tấn công của Nga tại Ukraine”.

Đây là lần đầu tiên châu Âu nhắm mục tiêu trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng của Nga, lĩnh vực mà họ đang phụ thuộc nhiều vào Moscow.

Các quốc gia EU nhập khẩu từ Nga 45% nhu cầu than của họ, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD mỗi năm. Lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8, 120 ngày sau khi gói trừng phạt được công bố - dự kiến vào ngày 8/4.

Cũng trong ngày 7/4, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí cấm các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, đồng thời mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.

Các quốc gia G7 cũng cam kết hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia láng giềng của Ukraine, những nước đang tiếp nhận dòng người di cư, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho những người rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.

Các biện pháp trừng phạt mới được đề xuất sau khi thi thể của hàng chục thường dân được tìm thấy vào cuối tuần trước ở thị trấn Bucha gần Kyiv, Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga đã thực hiện hành động trên, tuy nhiên Điện Kremlin bác bỏ.

Trước đó, Nga đã đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, vốn bị coi là trái pháp luật và phi lý, bằng cách áp đặt các biện pháp khắc nghiệt. Vào tháng 3, Nga mở rộng đáng kể danh sách các quốc gia “không thân thiện” hiện phải tuân theo nhiều yêu cầu và hạn chế cụ thể. Moscow yêu cầu tất cả các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.

Một sáng kiến trả đũa khác cho thấy, Bộ Tài chính Nga yêu cầu các công ty Nga muốn làm việc với các công ty từ các quốc gia trong danh sách "không thân thiện" phải được chính phủ cho phép trước.

Mộc Miên (Theo Euro News)

Tin nổi bật