Lãnh đạo VNR cho rằng, trong quý I/2020, nếu như tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nói - cuối tuần vừa qua VNR mới hoàn thành người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, tổng công ty đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp.
Đường sắt có thể phải dừng chạy tàu toàn quốc do thiếu vốn bảo trì. Ảnh minh họa |
Một số vướng mắc của VNR không phải do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mà do cơ chế chính sách. VNR đã báo cáo lên bộ Giao thông vận tải (GTVT), ủy ban, thậm chí đã phải có những báo cáo vượt cấp lên Thủ tướng đề kiến nghị tháo gỡ những khó khăn liên quan đến vận mệnh của VNR nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo định kỳ hằng năm thì trước ngày 31/12, bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt.
Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Minh, đến nay VNR vẫn chưa nhận được dự toán.
"Trên 1 vạn con người chưa có tiền lương và nguy cơ phải dừng tàu là rất cao. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nhưng nếu cho chạy tàu thì trái luật, thậm chí tuần đường gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố…
Hơn 1 vạn tuần đường gác chắn không có lương, không thể duy trì hoạt động tuần đường gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng tàu vào tháng 3 tới. Việc dừng tàu gây ảnh hưởng tới 3 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt và gián đoạn phục vụ hành khách đi lại, vận chuyển hàng hóa " - Chủ tịch VNR khẳng định.
Vũ Đậu (T/h)