Chuyên gia y học thế giới cảnh báo việc dùng huyết tương người đã khỏi bệnh để chữa Covid-19 cần đề phòng những tác dụng phụ không mong muốn.
Theo Hãng tin ECNS (Trung Quốc), trong cuộc họp báo ngày 13/2, bác sĩ Trương Định Vũ (Zhang Dingyu), lãnh đạo bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán, Hồ Bắc), cho biết trong huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19 có chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus corona chủng mới (2019-nCoV).
Ông Trương kêu gọi các bệnh nhân bị Covid-19 nên tham gia tình nguyện hiến huyết tương cho bệnh viện vì lợi ích của tất cả mọi người.
Trung Quốc kêu gọi bệnh nhân khỏi Covid-19 hiến huyết tương cho điều trị người bệnh nhiễm virus corona. Ảnh: Getty |
Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) cho hay, huyết tương từ kháng thể người khỏi bệnh đã giúp điều trị cho 10 bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng. Chỉ sau 12-24h, sức khỏe của họ đã cải thiện đáng kể, tờ New York Times thông tin.
Thực tế, trong máu của những bệnh nhân khỏi virus corona đúng là có những kháng thể với Covid-19. Và khi tiêm các kháng thể đó vào cơ thể của người bệnh khác, trên lý thuyết, nó có thể giúp bệnh nhân chống lại tác hại của virus.
Nói cách khác, cách điều trị bằng huyết tương là chuyển khả năng miễn dịch của bệnh nhân đã phục hồi sang bệnh nhân đang bị bệnh. Phương pháp này từng sử dụng trong đại dịch cúm, Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nói với New YorkTimes.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo trên Live Science những tác dụng phụ có thể đến khi sử dụng phương pháp này. Giáo sư sinh học và khoa học thần kinh của Đại học New York, Carol Shoshkes Reiss, đánh giá phương pháp dùng huyết tương của người khỏi bệnh Covid-19 là một tín hiệu đáng mừng cho điều trị bệnh do chủng virus corona.
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng cần phải có những kiểm soát với các tác dụng phụ có thể đến trong quá trình chữa trị. Cụ thể, virus có tỷ lệ tử vong thấp, việc bỏ qua quá trình thử nghiệm thuốc thông thường (chẳng hạn thử nghiệm lâm sàng trên động vật và trên người) không hợp lý.
Các bác sĩ khi sử dụng huyết tương người khỏi Covid-19 để điều trị cần hết sức thận trọng để đề phòng tác dụng phụ.
Sử dụng huyết tương bệnh nhân khỏi Covid-19 để điều trị tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Ảnh: Live Science |
Một nhà nghiên cứu khác lại không hoàn toàn ủng hộ phương pháp chữa trị mới được đề xuất. Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, Giám đốc của mạng lưới y tế Northwell Health, đánh giá những cách điều trị đều là ý tưởng hay, nhưng "chưa có cơ sở nào khiến tôi cảm thấy phải bỏ quy trình thông thường giới y học vẫn sử dụng để đảm bảo một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả trước khi sử dụng nó cho bệnh nhân".
Ông Eric nhấn mạnh thêm: "Chúng ta nên tiếp tục tuân thủ quy trình khoa học và nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những cách điều trị trước khi đưa vào sử dụng, đặc biệt là với virus có tỷ lệ tử vong thấp".
Được biết, truyền huyết tương chỉ là một trong nhiều lựa chọn mà các chuyên gia đang cân nhắc trong các phương pháp chữa Covid-19. Hiện, căn bệnh này khiến 65.000 người nhiễm, 1.384 người tử vong. Một số phương pháp điều trị đã được sử dụng như tái sử dụng thuốc chống siêu vi, tìm kiếm phân tử mới ngăn chặn sự liên kết của virus tế bào, pha trộn thuốc…
Minh Khôi (T/h)