ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu phụ huynh nào dùng chức vụ, quyền hạn của mình để gây ảnh hưởng, ép buộc người khác phải sửa điểm thi cho con mình thì đó cũng được coi là một hành vi tham nhũng quyền lực.
Xung quanh vụ sửa điểm thi ở Sơn La và một số địa phương khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các phụ huynh thí sinh được nâng điểm. PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Hoàng Văn Cường để lắng nghe quan điểm của ông.
Thưa Đại biểu, mới đây, báo chí đã đăng tải danh sách phụ huynh các thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Trong đó, có nhiều trường hợp phụ huynh là cán bộ đang công tác tại địa phương này. Quan điểm của ông như thế nào khi biết thông tin này?
Tôi đồng tình với việc công bố công khai danh sách phụ huynh học sinh vừa rồi được nâng điểm.
Còn đối với các em học sinh có thể chỉ là nạn nhân, chứ không phải là chủ mưu nên việc công bố danh sách thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi cho rằng, chỉ với những em cũng tham gia vào quá trình thúc đẩy, can thiệp điểm thi thì mới bị xử lý và nêu danh tính.
Nhưng với trường hợp cha mẹ của học sinh được nâng điểm thì cần công bố công khai, dù người đó là dân thường hay quan chức.
Theo ông, cần xử lý như thế nào đối với các phụ huynh của thí sinh được nâng điểm?
Tôi cho rằng, không chỉ công bố danh tính phụ huynh là xong mà phải điều tra làm rõ xem tại sao con của những người này lại được thay đổi điểm.
Nếu như phụ huynh cố tình tác động đến những người có trách nhiệm trong việc nâng điểm thì phải xử lý nghiêm minh. Ví dụ, họ dùng tiền để “chạy” điểm thì phải xử lý tội đưa hối lộ.
Nếu người ta không dùng tiền mà dùng quyền lực, địa vị của mình tác động đến người khác để sửa điểm thi thì phải xử lý về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để ép buộc người khác làm những việc sai phạm.
Cần làm rõ từng trường hợp phụ huynh học sinh đã làm gì để tác động đến những người thi hành công vụ, khiến họ nâng điểm cho con em mình.
Thậm chí, nếu những phụ huynh vi phạm mà là công chức, đảng viên vi phạm thì còn phải xử lý nặng hơn nữa. Bởi vì, trong quy định nêu gương, những người này cần phải gương mẫu, đặc biệt đây lại là vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.
Trong vấn đề giáo dục, nếu anh không gương mẫu thì không chỉ ảnh hưởng mỗi cá nhân anh mà còn làm cho thế hệ trẻ nhìn vào mất đi niềm tin. Vì vậy, cần xử lý nghiêm để mang tính chất răn đe, giáo dục chung.
ĐBQH Hoàng Văn Cường. |
Thế còn nếu như phụ huynh hoặc học sinh nào nói rằng: “Tôi không biết, con tôi cũng không biết, mà do ai đó cố tình nâng điểm cho con tôi” thì cũng phải điều tra tìm cho ra người cố tình nâng điểm. Chắc chắn phải có người tác động vào việc nâng điểm! Vậy thì người nào đã cố tình làm việc này?
Nếu như tìm ra người cố tình tác động nâng điểm thì người đó sẽ xử lý về 2 tội. Hành vi thứ nhất là đã tác động để làm sai lệch kết quả, vi phạm về pháp luật. Hành vi thứ hai là cố tình tác động nâng điểm để làm hại người khác (nếu người đó lại là cán bộ, lãnh đạo) thì càng phải xử lý nặng. Và như vậy cũng là để trả lại công bằng, danh dự cho người “bị lôi vào cuộc”.
Tôi cho rằng, trong tất cả các trường hợp thí sinh được nâng điểm đều phải tìm ra đến cùng người chịu trách nhiệm.
Ông cho rằng như vậy mới công bằng, khách quan?
Đúng vậy! Rõ ràng trong lĩnh vực giáo dục không chỉ đơn thuần vi phạm về mặt luật pháp phải xử lý nghiêm minh, mà đây lại là vi phạm luật pháp mang tính chất để giáo dục đào tạo đức tính thật thà, nhân cách của con người trong ngành giáo dục. Vì vậy, hành vi sai phạm đó còn nghiêm trọng hơn nữa.
Ở nhiều nước trên thế giới, nếu sai phạm, gian dối trong lĩnh vực giáo dục sẽ bị xử lý rất nặng.
Giả sử, nếu phụ huynh cố tình dùng địa vị, quyền lực của mình để tác động, gây ảnh hưởng đến người khác, khiến họ phải sửa điểm thi cho con mình thì đó có thể được coi là biến tướng của “tham nhũng” hay không, thưa Đại biểu?
Tôi cho rằng, việc người ta tác động để làm sai lệch điểm thi thì cần phải xét theo cách thức người ta tác động.
Nếu như một người bình thường, không có chức vụ gì cả, họ dùng tiền hoặc cách nào đó để mua chuộc cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi nhằm nâng điểm cho con thì khi đấy phụ huynh sẽ phạm tội đưa hối lộ. Đó là hành vi tham nhũng.
Còn đối với trường hợp, nếu như phụ huynh là người có chức vụ quyền hạn, dùng chức vụ của mình để gây ảnh hưởng, ép buộc người khác phải sửa điểm cho con thì đó cũng là một hành vi tham nhũng - “tham nhũng quyền lực”, cần phải xử lý nghiêm!
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hường
Theo Người Đưa Tin