Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự thảo phân hạng bằng lái: Vẫn còn nhiều băn khoăn

(DS&PL) -

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước những thay đổi theo đề xuất tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới đây.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin cho rằng những người lái xe máy SH, Exciter... với dung tích xi lanh trên 125cm3 sẽ phải thi lại Giấy phép lái xe (GPLX) và người đang sử dụng bằng lái B1 sẽ không được lái ô tô theo đề xuất tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới đây.

Chỉ là hiểu lầm?

Cụ thể, điểm mới trong dự thảo lần này là bộ GTVT đề xuất quy định có thêm giấy phép lái xe hạng A0 cấp cho người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kw.

Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50- 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 04 - 11kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0. Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.

Để làm rõ về vấn đề này, phóng viên tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng vụ Quản lý phương tiện và người lái (tổng cục Đường bộ Việt Nam). Ông Thống cho rằng dư luận đang hiểu sai thông tin. Theo ông Thống, việc thay đổi các hạng GPLX bản chất chỉ là thay tên cho phù hợp với quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng bằng lái của Việt Nam ở nước ngoài và bằng lái nước ngoài tại Việt Nam. Việc thay đổi này cũng đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ.

Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề xuất phân loại 17 hạng bằng lái xe.

“Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng, phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân, những ai đang sở hữu giấy phép lái xe B1 thì vẫn được lái xe ô tô như bình thường. Người dùng sẽ không phải thi lại bằng, đổi bằng.

Đối với người đã được cấp GPLX thì vẫn giữ nguyên giá trị, được sử dụng cho đến khi hết thời hạn. Trường hợp hết hạn, thì đổi sang GPLX theo hạng mới (đổi thành B2 hoặc B). Chỉ những giấy phép lái xe được cấp sau thời gian nếu luật mới được ban hành thì mới áp dụng theo luật mới”, ông Thống lý giải.

Rườm rà, mất thời gian?

Trao đổi với phóng viên về đề xuất này, ông Nguyễn Thành Huân – Phó Giám đốc trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô - cho biết, không cần thiết phải có tới 17 hạng GPLX. Việc này vừa khó kiểm soát, vừa tốn kém về thời gian, chi phí thay đổi.

Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng vụ Quản lý phương tiện và người lái.

Ông Huân chia sẻ: “Gần đây, trung tâm liên tục nhận được những câu hỏi, thắc mắc của học viên về thông tin nêu trên. Nhiều trường hợp thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký thi sát hạch cấp bằng B1 nhưng lại yêu cầu được đổi sang thi sát hạch bằng B2. Thậm chí có trường hợp vừa thi xong hạng B1 đã yêu cầu hoàn tiền, chuyển sang thi B2,... khiến mọi chuyện trở nên phức tạp.

Tôi cho rằng việc phân loại GPLX như hiện nay đã ổn định, phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, việc thay đổi, phát sinh các loại GPLX mới chỉ gây thêm phiền toái cho người dân, vừa tốn kém về chi phí, vừa mất thời gian. Biết rằng việc kiểm soát chặt việc cấp GPLX là cần thiết nhưng chỉnh sửa và đưa thêm những loại bằng mới thì đơn vị đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể tính cần thiết, hiệu quả đem lại và mức độ ảnh hưởng trên các mặt khi triển khai thực hiện.

Có thêm những loại GPLX mới vừa gây lãng phí, vừa tốn kém thời gian trong khi đó việc học và thi bằng vẫn được giữ nguyên. Vậy, có thêm nhiều loại bằng mới có thật sự hợp lý?”.

Riêng với đề xuất bổ sung GPLX hạng A0, ông Huân cho rằng đây là việc làm cần thiết giúp các bạn trẻ từ 16 – 18 tuổi có sự hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Là một người mới thi đỗ kỳ thi sát hạch cấp GPLX hạng A1, chị Đặng Thị Hải Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, việc đề xuất có phân loại thành 17 hạng GPLX là chưa phù hợp. Tôi đồng ý với việc người dân khi đi xe đạp điện và các xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 bắt buộc phải có GPLX vì đã tham gia sử dụng phương tiện giao thông bằng các phương tiện này thì nên học và biết luật giao thông để chấp hành tốt.

Còn đối với quy định hạng A1 chỉ dành cho xe dưới 125cm3 thì có lẽ sẽ hơi bất cập vì có rất nhiều người đã và đang thi bằng lái sử dụng xe SH150i... Tôi vừa được cấp bằng lái xe A1, chẳng nhẽ khi mua xe SH có dung tích 150cm3 thì tôi lại phải đi thi thêm bằng lái hay sao. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng vẫn giữ cách phân hạng GPLX như hiện nay và chỉ thêm trường hợp bằng A0.

Nếu đề xuất trên được áp dụng thì chỉ nên chuyển đổi bằng lái cho những người sử dụng các loại xe có dung tích xi lanh từ 150cm3 để tránh mất thời gian và tiền bạc của công dân”.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cũng cho rằng, việc chia nhỏ các loại bằng lái xe là không cần thiết, vì gây khó nhận biết cho người dân và dẫn đến nhiều thắc mắc không đáng có. Luật cần dễ hiểu với số đông người dân thì mới dễ thực thi.

Nguyễn Lâm

Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (106)

Tin nổi bật