Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự kiến giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Phó thủ tướng yêu cầu giữ phương pháp thặng dư trong định giá đất khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Văn phòng Chính phủ vừa công bố thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường - cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - được yêu cầu bổ sung vào dự thảo luật các quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất đang áp dụng phổ biến, như so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số. Việc bổ sung này, theo Phó thủ tướng, cần dựa trên đánh giá khách quan nguyên nhân tồn tại từng phương pháp, điều kiện áp dụng để "không xảy ra khoảng trống, dẫn tới ách tắc, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh".

Dự kiến giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện các quy định để theo dõi, thống kê, thu thập số liệu, biến động của thị trường đất đai, đảm bảo dữ liệu đầu vào chính xác cho từng phương pháp. Khi có đủ cơ sở dữ liệu giá đất thị trường sẽ nghiên cứu quy định lộ trình áp dụng phương pháp định giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Quy định hiện hành, giá đất được xác định theo một trong 5 phương pháp, như so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây cũng nêu các cách xác định giá đất này.

Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 44 quy định về giá đất đang được Bộ Tài nguyên & Môi trường lấy ý kiến chỉ còn 3 phương pháp định giá đất, gồm so sánh, thu nhập và hệ số. Phương pháp chiết trừ được lồng ghép vào so sánh. Riêng phương pháp thặng dư, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất bỏ.

Như vậy với thông báo kết luận của Phó thủ tướng, các cách định giá đất hiện hành vẫn được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phương pháp thặng dư đã được giữ lại. Phương pháp này là lấy doanh thu (giả định) của dự án bất động sản trừ đi chi phí ước tính, từ đó cơ quan quản lý tính số thuế đất mà doanh nghiệp phải nộp, báo VnExpress đưa tin.

Theo báo Tuổi trẻ, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực thúc đẩy lẫn nhau để phát triển, nhất là quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị để gắn kết phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ với hệ thống hạ tầng hướng tuyến (TOD). 

Việc xác định các chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bảo đảm tính ổn định về các chỉ tiêu quan trọng như đất lúa, đất rừng, bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dân cư đã phát triển ổn định... các chỉ tiêu khác theo các nguyên tắc của thị trường.

Để đảm bảo chủ động trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đi trước một bước nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, cần có quy định cho phép điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Tiếp tục rà soát, chỉnh lý theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương kết hợp với phân bổ nguồn lực, phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sử dụng đất hiệu quả, nhất là đất lúa, đất rừng, khai thác khoáng sản.

Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng các loại đất, chú ý các loại đất có tiềm năng như: đất ven biển, đất lấn biển, đất để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đất xen kẹt... Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu hoàn thiện các quy định về đất khu kinh tế, khu công nghiệp.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật