Theo lý giải, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Báo Dân trí đưa tin, nội dung tờ trình của Bộ Công an gửi Chính phủ thể hiện, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại...; tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Đề nghị bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ trong luật mới. Ảnh: VietNamnet.
Tờ trình của Bộ Công an cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Đối với "Đối tượng cảnh vệ" theo quy định của Luật Cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định
Cụ thể theo quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017, trong nước, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên theo dự thảo Luật sửa đổi của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là "Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao".
Trước đó, Bộ Công an đã lý giải nguyên nhân đề xuất về việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là do tình hình an ninh, chính trị trong nước và thế giới phức tạp, gần đây đã xảy ra một số vụ ám sát nhà lãnh đạo trên thế giới. Hơn nữa, đặc thù công việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan trực tiếp đến quyền sống, tự do con người nên mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ.
Hai chức danh này theo kết luận 35 của Bộ Chính trị thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, ngang hàng với Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội. Hiện nay, người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp đều có chế độ bảo vệ, nên bổ sung người đứng đầu cơ quan tư pháp để đảm bảo cân bằng cả ba cơ quan quyền lực Nhà nước, theo Tạp chí TAND.
Dự thảo sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2017 còn đề xuất cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong công việc. Cụ thể, Tư lệnh Cảnh vệ có quyền phát hành thẻ, Giấy, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong và ngoài nước; trường hợp cần thiết được thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ trường hợp được cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài...
Bảo An (T/h)