Do lệch múi giờ, nhiều du học sinh khi trở về nước phải dậy từ sớm để học online cho kịp thời gian.
Là du học sinh thạc sĩ Đại học Bristol, Anh, Ngọc Lan về nước ngày 20/3 và vào khu cách ly tập trung tại tỉnh Ninh Bình. Trong 12 kg hành lý xách tay, Lan chẳng mang gì ngoài sách và laptop để duy trì việc học online. Vì đến Bristol theo học bổng toàn phần Think Big Scholarship, Lan không được bảo lưu kết quả học tập, bắt buộc tham gia đầy đủ lớp học online.
Để không lỡ buổi học online đầu tiên và kịp gửi tiểu luận trước khi hết hạn, Lan phải mua vé hạng đặc biệt để sử dụng wifi trong 12 tiếng bay. Đến khu cách ly, Lan phải đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Hàng ngày, cô học online 2-3 tiếng, mỗi môn một khung giờ, như 16-18h, 18-20h và 1-3h.
Những ngày đầu, Lan không kịp thích nghi với việc thay đổi múi giờ, nếp học tập vẫn theo lịch bên Anh nên dù mệt vẫn không thể chợp mắt. Bốn ngày thức trắng, Lan sụt 3 kg. Đến đêm thứ năm, cô mới quen, có thể ngủ sau khi sắp xếp lại sinh hoạt, tranh thủ đổi giờ tắm sang ban đêm hoặc đợi cả phòng đi ăn cơm để tắm.
"Mọi người ở khu cách ly sinh hoạt như thế nào thì mình phải làm ngược lại mới có thời gian học. Vất vả nhất là lúc 1-3h, sau khi học chỉ ngủ được 2 tiếng là trời sáng", cô gái quê Hải Dương kể.
Việc học online tại Đại học Bristol yêu cầu tính tự giác rất cao. Để điểm danh, sinh viên cần đăng nhập vào hệ thống đúng giờ, sau đó tham gia lớp học. Tuy nhiên, ngay cả khi sinh viên điểm danh rồi đi ngủ tiếp, giáo viên cũng không quản lý được.
Lan giải thích, do lớp gần 200 người, kể cả học trực tiếp giảng viên cũng hiếm khi cho sinh viên tương tác và đặt câu hỏi. Thay vào đó, thầy cô sắp xếp những buổi thảo luận, trao đổi riêng để giải đáp thắc mắc nên buổi học online gần như sẽ nghe giảng từ đầu đến cuối.
Tương tự như trường hợp của Ngọc Lan, bạn Phan Toàn du học sinh ngành Công nghệ Thông tin tại Australia, được cách ly tại ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc học online.
Du học sinh Phan Toàn gặp nhiều khó khăn trong việc học online. |
Toàn giải thích, do dịch bệnh, mọi học phần đều được chuyển thành online. Với lecture và workshop, giảng viên sẽ thu âm trước rồi đẩy lên LMS (hệ thống học trực tuyến). Với các giờ thực hành, giảng viên dùng phần mềm Zoom để trao đổi với sinh viên.
"Những ngày đầu, sóng 4G ở ký túc xá yếu nên mìn phải tải hết bài giảng rồi nghe lại. Học trên Zoom thì khó hơn, giảng viên nói bị giật, hình ảnh đơ", Toàn cho hay.
Gặp vấn đề về Wi-Fi, Toàn đã vào diễn đàn sinh viên ở ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM để nhờ sự giúp đỡ. Nam sinh xúc động khi nhiều sinh viên sẵn sàng nhường thẻ Wi-Fi cho Toàn và hướng dẫn cách sử dụng.
Toàn cho biết trường của bạn ở Australia hỗ trợ sinh viên mùa dịch bằng cách lùi hạn ghi danh, đóng học phí (cenus date) qua giữa tháng 4. Sinh viên nào cảm thấy không học được có thể xin bảo lưu, học kỳ sau học tiếp. Những bạn học online kỳ này nhưng rớt môn hoặc điểm thấp, sẽ không bị ghi vào hệ thống và học bạ. Nhưng, sinh viên rớt môn phải đóng tiền học lại.
Với tình hình đại dịch khó lường, lo lắng việc xin bảo lưu sẽ dẫn tới visa bị hủy, rắc rối khi xin cấp mới, Toàn vẫn cố gắng theo lớp học online của trường. Múi giờ giữa Việt Nam và Australia chênh lệch 4 tiếng nên nhiều khi nam sinh này phải dậy từ 4h để học qua mạng.
Thanh Tùng (T/h)