Theo VietNamNet, nam bệnh nhân T.V.M (56 tuổi, ở Bắc Giang) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu vào ngày 24/8 trong tình trạng kích thích vật vã, nhìn mờ.
Người nhà cho biết bệnh nhân thường xuyên uống rượu. Cách thời điểm nhập viện 3 ngày, bệnh nhân uống rượu liên tục. Sáng ngày 24/8, người bệnh tỉnh dậy thì thấy đau đầu, chóng mặt, khó thở, đột ngột nhìn mờ cả hai mắt.
Tại bệnh viện, sau khi được xét nghiệm khí máu cấp cứu, bác sĩ thấy bệnh nhân có biểu hiện toan máu. Kèm theo khai thác tiền sử nghiện rượu và các biểu hiện lâm sàng trước đó, người bệnh được chẩn đoán ngộ độc rượu chứa methanol, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, nhận biết được xung quanh. Ảnh: VietNamNet
Các bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản cấp cứu, bù dịch và lọc máu liên tục 24 giờ cho người bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung – khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, nhận biết được xung quanh, tuy còn nhìn hơi mờ nhưng đã được bác sĩ rút nội khí quản. Dự kiến người bệnh có thể ra viện sau 1 tuần nữa.
Liên quan đến ngộ độc methanol, khoa Hồi sức nội Bệnh viện Quân y 103 cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.S (52 tuổi) vào viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, hơi thở có mùi cồn, HA 210/100 mmHg, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hoá nặng.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, bệnh nhân trước đó đi liên hoan có uống rượu không rõ loại. Sáng hôm sau, bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ, nhìn đôi, mệt mỏi, đau đầu, đến chiều ngày cũng ngày xuất hiện nôn nhiều ý thức lơ mơ, thở nhanh, được gia đình đưa đi cấp cứu.
Sau khi hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol đường uống mức độ nặng giờ thứ 36 (kết quả xét nghiệm methanol trong máu là 61,6 mg/dL). Người bệnh lập tức được tiến hành lọc máu liên tục sớm, kiểm soát cân bằng kiềm toan, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, hỗ trợ chức năng các tạng chống suy tạng, chăm sóc dinh dưỡng.
Sau 18 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân không còn nồng độ methanol trong máu. Người bệnh đã được xuất viện về nhà sau 5 ngày điều trị. Chia sẻ về ca bệnh này, TS.BS Phạm Thái Dũng – Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội Bệnh viện Quân y 103, cho biết bệnh nhân may mắn là một trong những trường hợp được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực, đúng phác đồ nên tình trạng lâm sàng cải thiện nhanh.
Đinh Kim (T/h)