Mới đây, đội ngũ phát triển Pi Network (PCT) đã công bố về lộ trình thực hiện di chuyển Pi lên mạng lưới Mainnet.
Theo thông báo của PCT, lộ trình chuyển mạng sẽ diễn ra trong vòng 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên và cũng là giai đoạn đang triển khai, PCT sẽ ưu tiên di chuyển cho những "Pi thủ" đang có trong hàng chờ, bao gồm các phần thưởng đã xác minh như khai thác cơ bản, vòng tròn an ninh, khóa token, sử dụng ứng dụng tiện ích và phần thưởng cho Node.
Trong giai đoạn thứ hai, PCT cho biết sẽ tập trung xử lý các phần thưởng liên quan đến giới thiệu nếu người được mời đã hoàn tất KYC.
Giai đoạn cuối cùng sẽ là các đợt di chuyển định kỳ, có thể theo tháng hoặc quý, nhằm hoàn tất việc chuyển tất cả phần thưởng còn lại. Tuy nhiên, tốc độ triển khai vẫn chưa được ấn định rõ ràng.
Ảnh minh họa.
"Thời gian thực hiện chuyển số dư đến ví Mainnet đối với mỗi người dùng sẽ khác nhau. Số dư được hiện thị trong ví Pi có thể không phản ánh đúng số lượng Pi thực tế sẽ được di chuyển trong giai đoạn đầu", PCT cho biết.
PCT cũng nhấn mạnh việc di chuyển cần diễn ra đối với một mạng lưới hàng chục triệu người dựa trên dữ liệu khai thác phức tạp trong 6 năm qua nhằm đảm bảo tính chính xác, bảo mật và công bằng.
Về diễn biến giá, lúc 14h40 ngày 20/4, giá trị của tiền số Pi Network (Pi) đang giao dịch ở mức 0,63 USD. Vốn hóa thị trường đạt 4,3 tỷ USD với khối lượng giao dịch đạt 89 triệu USD.
Cảnh báo rủi ro khi đầu tư tiền số Pi
Công an Thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo về rủi ro khi đầu tư vào tiền số Pi Network. Theo đó, những ngày gần đây, trên các trang, hội nhóm mạng xã hội Facebook, Instagram, TikTok,… chia sẻ nhiều các bài viết, bình luận về đồng tiền ảo Pi Network. Đặc biệt sau khi Pi được niêm yết giao dịch trên một số sàn tiền ảo như: OKX, MEXC, GATE, BITGET, ONUS vào ngày 20/2/2025 gây ra tâm lý phấn khích của cộng đồng những người “đào” đồng tiền ảo Pi, kỳ vọng về việc mức giá sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đồng thời gây sức hút đối với những người mới chưa biết đến đồng tiền ảo Pi.
Công an Thành phố Hà Nội khẳng định theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, hiện nay tiền ảo nói chung và đồng tiền ảo Pi nói riêng chưa được coi là tài sản.
Những vụ việc, vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng tiền ảo, tiền số Pi rất rủi ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý. Đồng thời theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán.
Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng tiền ảo nói chung, đồng tiền ảo Pi nói riêng vào hoạt động thanh toán thì sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh tiền số Pi hiện nay chưa có tính ứng dụng thực tế, giá trị hiện nay là tự định giá và làm nhiều người bị hiểu lầm về giá trị thật của đồng tiền ảo này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ lâu đã cảnh báo việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.