Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp “né” thuế nhiều tỷ đồng trong thời gian dài, cán bộ hải quan không hay biết?

(DS&PL) -

Ngoài hành vi xuất hàng lậu nhưng khai báo là mặt hàng khác thì còn đó hàng loạt chiêu thức né thuế khác.

Ngoài hành vi xuất hàng lậu nhưng khai báo là mặt hàng khác thì còn đó hàng loạt chiêu thức né thuế khác. Điển hình, thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp “kê khai sai mục hàng hoá” xuất nhập khẩu… để né thuế. Điều đáng nói, các doanh nghiệp này né thuế trong thời gian dài nhưng… cán bộ hải quan vẫn không hề hay biết?

Một số doanh nghiệp "né" thuế nhiều tỷ đồng trong thời gian dài. Ảnh: Người Đưa Tin

Khai sai mã số hàng hoá?

Trong khoảng thời gian 4 năm (2014 – 2018), công ty TNHH Máy công cụ Liên Minh (địa chỉ số 50/2 Nguyễn Văn Quá, khu phố 4 phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM, có người đại diện theo pháp luật là ông Dư Hồng Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên) thực hiện đăng ký và khai báo 530 lô hàng nhập khẩu tương ứng 530 bộ tờ khai nhập khẩu loại hình nhập kinh doanh tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (TP.HCM).

Trong đó, 8 mặt hàng khai báo là “dầu bôi trơn, dầu cắt gọt” tại 53 tờ khai loại hình nhập kinh doanh đóng trong drums (200 và 208 lít/drum) được công ty khai báo có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%, thuế GTGT là 10%. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra của cục Hải quan TP.HCM thì, các mặt hàng này có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 18% - 20%. Việc thay đổi mã số, thuế suất của các mặt hàng trên dẫn tới chênh lệch thuế tăng là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế nhập khẩu là gần 2,4 tỷ đồng, thuế GTGT là hơn 240 triệu đồng.

Tương tự, công ty TNHH Vòng Xanh (số 100 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, người đại diện theo pháp luật là ông Vương Diệu Bân, Tổng Giám đốc). Trong thời kỳ thanh tra từ ngày 4/7/2016 đến 30/4/2019, công ty đã nhập khẩu tổng cộng 59 lô hàng tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Mặt hàng nhập khẩu của công ty chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Tuy nhiên, công ty Vòng Xanh khai báo 32 model xe đạp là loại xe đạp đua thuộc 27 tờ khai hải quan, không đủ các tiêu chí đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan chức năng. Từ đó, công ty khai báo mã số có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%, 0%, 10% (tuỳ sản phẩm), thuế GTGT 10%. Thực tế, qua kết quả thanh tra của cục Hải quan TP.HCM cho thấy, các mặt hàng trên không đủ tiêu chuẩn là xe đạp đua, do đó phải được điều chỉnh về mã số phù hợp là xe đạp khác, có thuế suất thuế nhập khẩu 45% hoặc 10% (nếu có C/O form E), thuế GTGT 10%. Do đó, tổng số thuế chênh lệch tăng phải nộp bổ sung là hơn 1 tỷ đồng.

“Căn cứ hồ sơ, tài liệu do công ty cung cấp, hồ sơ chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, danh mục hàng hóa xuất - nhập khẩu, biểu thuế và các văn bản quy định của pháp luật hiện hành, hướng dẫn của tổng cục Hải quan thì các model xe đạp nhập khẩu của công ty Vòng Xanh khai báo không đầy đủ tên hàng, khai sai mã số hàng hóa, thuế suất thuế nhập khẩu, trị giá tính thuế dẫn đến tổng số thuế chênh lệch phải nộp bổ sung là hơn 1 tỷ đồng. Hành vi khai sai mã số, thuế suất, trị giá tính thuế dẫn đến ảnh hưởng số thuế phải nộp nêu trên phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định”, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết.

Tháng 6/2019, công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển Đức Minh (có địa chỉ tại số 297 đường Phúc Diễm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã mở tờ khai hải quan tại cảng Cát Lái (TP.HCM) để làm thủ tục xuất khẩu cho 5 container hàng hoá. Theo đó, trong tờ khai hải quan, công ty này khai báo hàng hóa là sản phẩm gốm đất nung, mới 100% và hưởng thuế suất xuất khẩu là 0%. Đặc biệt, số hàng hóa này cũng được phân hệ thống luồng xanh để xuất đi Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với nhiều nghi vấn, lực lượng hải quan đã thực hiện niêm phong container và mời doanh nghiệp đến làm việc. Tuy nhiên, sau 2 tháng doanh nghiệp này vẫn không cử người đến theo giấy mời. Từ đó, lực lượng chức năng cảng Cát Lái đã phối hợp với các đơn vị liên quan quyết định khám xét phương tiện và hàng hóa. Kết quả khám xét 5 container hàng hóa nêu trên cho thấy, toàn bộ lô hàng là dạng phế liệu (vỏ lon bia, nước ngọt) được đóng thành khuôn, bánh. Thực tế, ngày 5/9, trong chứng thư giám định (theo yêu cầu từ hải quan) của công ty Vinacontrol cũng đã thông báo: Kết quả giám định 5 container tại cảng Cát Lái là nhôm phế liệu. Theo một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM đối với mặt hàng này, nếu xuất khẩu thì phải chịu mức thuế là 25%. Hiện, cơ quan lực lượng hải quan đang tiến hành xác định giá trị lô hàng, số tiền thuế gian lận để có căn cứ xử lý đối với công ty này.

Xử lý cán bộ liên quan

Liên quan về các vụ việc này, dư luận cho rằng, đây thực chất là chiêu né thuế, có dấu hiệu trốn thuế hoặc nghi vấn về việc cán bộ bỏ qua, có lợi ích nhóm về việc để các doanh nghiệp khai báo sai mã số hàng hoá trong thời gian dài. Nếu như không có các cuộc thanh kiểm tra của cục Hải quan thì ngân sách Nhà nước đã thất thu số tiền rất lớn (chỉ riêng đối với các trường hợp bị phát hiện).

“Không lẽ doanh nghiệp làm nhiều tờ khai trong nhiều năm như thế mà cán bộ hải quan lại không biết là hàng hoá bị kê sai mã số? Tôi cho rằng, lãnh đạo cục Hải quan cần phải làm rõ những dấu hiệu trên, đặc biệt có hay không chuyện doanh nghiệp trốn thuế theo dạng này. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ hải quan liên quan, có hay không dấu hiệu làm ngơ, bỏ qua hoặc có lợi ích trong các phi vụ này”, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ.

“Đến thời điểm hiện tại, hành vi khai sai mã số, thuế suất, dẫn đến ảnh hưởng số thuế phải nộp nêu trên chưa có cơ sở khẳng định, công ty Liên Minh, Vòng Xanh có hành vi cô tình trốn thuế, do đó, phải bị xử lý vị phạm hành chính theo quy định. Cụ thể, yêu cầu công ty khẩn trương nộp số tiền thuế ấn định, tiền phạt chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính nêu trên vào ngân sách Nhà nước”, ông Phan Lê Minh, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết. Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cũng chỉ đạo chi cục Hải quan khu vực 1 trên cơ sở tỷ giá, thuế suất, số thuế ấn định tại 53 tờ khai nêu trên, truy thu số tiền thuế còn thiếu, tiền chậm nộp của công ty Liên Minh vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Đồng thời, rà soát các mặt hàng tương tự từ thời điểm 1/1/2019 đến nay (nếu có phát sinh) và thực hiện ấn định truy thu, xử lý vi phạm.

Về xử lý cán bộ, công chức có liên quan, lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho rằng, các công chức bước 2, bước 3 không yêu cầu khai báo rõ, bố sung tài liệu kỹ thuật hoặc trưng cầu phân tích, phân loại để xác định thành phân, công dụng, tính chất hóa lý, phạm vi sử dụng... để xác định đúng mã số thuế suất dẫn đến sai sót trong thời gian dài. Hai công chức được phân công thực hiện việc lấy mẫu hàng hóa và xử lý các thủ tục của tờ khai số đã có thiếu sót trong công tác hoàn thiện hồ sơ, để xảy ra sự việc chậm trễ kéo dài, không thực hiện xử lý vi phạm đối với các công ty Liên Minh, Vòng Xanh. Từ đó, cục Hải quan TP.HCM cũng đã chỉ đạo chi cục Hải quan khu vực 1 tổ chức xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ công chức đã chấp nhận thông quan, chấp nhận mã số hàng hóa khai báo các lô hàng nhập khẩu mà không yêu câu khai báo bổ sung thành phần, hàm lượng, công dụng... dẫn đến không phát hiện sai phạm, thiếu các khoản thuế nêu trên.

Trước các vụ việc nêu trên, ông Minh cũng cho biết: "Đã yêu cầu lãnh đạo các chi cục Hải quan, lãnh đạo các đội công tác quán triệt thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; Chấn chỉnh cán bộ công chức khi làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục hải quan; nắm rõ văn bản, quy định pháp luật liên quan đến chính sách thuế, chính sách mặt hàng xuất - nhập khẩu...".

Thanh Tùng

Tin nổi bật