Quyết định của ông Biden được cho sẽ gây tranh cãi bởi hơn 100 quốc gia - bao gồm Pháp, Đức, Anh và nhiều đồng minh NATO khác - là các bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm, một thỏa thuận năm 2010 về việc cấm sử dụng và chuyển giao các loại vũ khí này.
Mỹ, Nga và Ukraine đã không ký công ước này, mặc dù trước đây Washington đã lên án các chính quyền khác, bao gồm cả Moscow, vì đã sử dụng chúng.
Bom chùm Mỹ thả từ máy bay B1. Ảnh: Không quân Mỹ.
Loại bom chùm mà Mỹ định gửi cho Ukraine được lấy từ "kho bom chùm thông thường được cải tiến cho mục đích kép" mà trước đó quân Mỹ tuyên bố sẽ tiêu hủy.
Chúng có thể bắn từ các khẩu lựu pháo 155mm và mang tới 88 quả bom con trong khoang chứa, mỗi quả bom con có tầm sát thương là 10m2. Một quả bom như vậy có thể phát tán hỏa lực lên một diện tích rộng tới 30.000m2.
Các viên đạn nhỏ có thể không phát nổ hết khi được giải phóng ra và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với phóng viên hôm 7/7 rằng các vũ khí này có tỷ lệ chưa nổ lên tới 2,35%. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), vũ khí này có tuổi trên 20 năm và khét tiếng vì có tỷ lệ cao bom đạn chưa nổ.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận, mặc dù các quan chức nước này đã thảo luận kế hoạch trong nhiều tuần qua.
Bà Laura Cooper, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về vấn đề Nga, Ukraine và lục địa Á-Âu, đã trả lời trước Quốc hội hồi tháng trước rằng loại đạn dược như vậy sẽ hữu ích để tấn công các "vị trí phòng ngự được bố trí sẵn của Nga".
XEM THÊM: Thành viên NATO phản đối Mỹ gửi bom chùm tới Ukraine
Trong khi đó, về phía Moscow, Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov cũng cho rằng, ý định cung cấp bom chùm của Mỹ cho Ukraine là "một động thái tuyệt vọng" vì cuộc phản công của Kiev không diễn ra theo kế hoạch.
"Giờ đây, phương Tây đã nhận ra rằng cuộc phản công được hô hào rầm rộ của các lực lượng vũ trang Ukraine đã không diễn ra theo kế hoạch, vì vậy họ đang cố gắng bằng mọi giá để tạo ra ít nhất một số động lực cho cuộc phản công đó, đó là một động thái tuyệt vọng", Đại sứ Gryzlov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga.
Việt Hương (T/h)