Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Diễn viên Minh Luân: “Tôi sống thực tế… mở mắt ra là nghĩ làm việc gì để có nhiều tiền”

(DS&PL) -

Bận rộn với lịch trình dày đặc, Minh Luân vẫn thể hiện sự dư thừa năng lượng trong từng lĩnh vực tham gia.

Bận rộn với lịch trình dày đặc, Minh Luân vẫn thể hiện sự dư thừa năng lượng trong từng lĩnh vực tham gia như: Ca hát, đóng phim, kinh doanh… Nam diễn viên điển trai luôn tự nhủ phải cố gắng gấp đôi người khác khi bản thân còn có thể kiếm tiền.

Nam diễn viên Minh Luân. Ảnh: Zing.vn

Làm gì thì cũng chỉ để kiếm tiền

Chào Minh Luân, hiện tại, bạn đang thực hiện những dự án nào?

Hiện tại, tôi đang tham gia phim Lời nguyền lúc không giờ của đạo diễn Khoa Nam. Đoàn phim đang quay ở Đà Lạt. Tôi cũng tranh thủ di chuyển liên tục để hát ở một số chương trình.

Giữa đóng phim và đi hát, Minh Luân muốn tập trung vào lĩnh vực nào nhiều hơn?

Tôi tập trung hát, ít đóng phim lại. Ngoài ra, tôi dành thời gian cho một số việc khác nữa như kinh doanh chẳng hạn.

Làm nhiều việc cùng lúc có khiến Minh Luân mệt mỏi?

Thực ra, năng lượng của ai cũng vậy, chỉ có bấy nhiêu thôi, nên tôi nghĩ bản thân cần tập trung lại dành cho một việc quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại. Tôi luôn luôn đặt ra câu hỏi: “Mục đích của mình là gì?”. Cuối cùng, mục đích của tôi cũng chỉ là kiếm tiền thôi. Đóng phim cũng kiếm tiền, hát cũng kiếm tiền, quay quảng cáo cũng là kiếm tiền, kinh doanh cũng là kiếm tiền. Vì thế, tôi nghĩ bản thân có mối quan hệ rộng thì tập trung kinh doanh có vẻ hợp lý hơn. Một năm, tôi dành vài tháng để đóng phim.

Luân nói mục đích cuối cùng cũng chỉ là kiếm tiền. Nói như vậy, Luân không sợ bị đánh giá sao?

Ồ, tôi sống thực tế lắm, suy nghĩ cũng thực tế nữa nên tôi nói theo thực tế thôi. Gần 15 năm theo nghề, vai diễn đã có hơn 100, khán giả cũng đã nhớ đến. Tôi nghĩ mình nên tận dụng điều đó để tích lũy, rồi còn lo lắng cho cha mẹ, lo cho gia đình nhỏ sau này nữa chứ. Thực ra, nhiều người có thể nói mục đích khác, hay ho hơn nhưng chung quy lại cũng chỉ là kiếm tiền. Ai cũng vậy thôi. Mở mắt ra là nghĩ ngay đến chuyện làm việc gì để có nhiều tiền.

Và tự hỏi tương lai sẽ ra sao nữa, đúng không Minh Luân?

Đúng rồi. Câu hỏi đó ai cũng hỏi bản thân mình. Có thể, mỗi người có cách trả lời khác nhau, chung quy lại vẫn chỉ là kiếm tiền. Góp nhặt kinh nghiệm từ việc tham gia sản xuất phim.

Dường như Luân có đầu tư sản xuất phim điện ảnh và cũng gặt hái chút thành công, đúng không?

Năm nào, tôi cũng làm một phim điện ảnh nhưng rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay, tôi chăm chút kịch bản hơn để phim chỉn chu hơn. Tôi tham gia sản xuất một số phim rồi, trong đó có phim Xóm trọ 3D chung với cô Hồng Vân. Phim nào tôi đầu tư cũng có lãi nhưng không lãi nhiều thôi.

Hiện tại, nhiều nghệ sĩ đang có xu hướng chuyển sang đầu tư sản xuất phim điện ảnh như Minh Luân. Luân đánh giá thế nào về việc này?

Nhiều nguyên nhân khiến giới nghệ sĩ, trong đó có tôi, chuyển hướng đầu tư, góp cổ phần vào sản xuất phim điện ảnh. Riêng với bản thân, tôi muốn phát triển thêm, không muốn giậm chân tại chỗ. Đầu tư phim với tôi và các nghệ sĩ khác giống như làm một công việc thuộc về sở trường.

Tôi tham gia trong lĩnh vực phim ảnh cũng lâu rồi, nên khi đầu tư phim, tôi cũng hiểu được phần nào cách thức làm việc. Vả lại, thay vì tôi chỉ đi làm để lấy cát-xê thì việc lấy số tiền đó góp vào đầu tư phim có vẻ sẽ sinh lời cao hơn. Nếu không tôi tự làm phim, rồi cũng kêu gọi đầu tư như vậy chi phí sản xuất sẽ thấp hơn.

Việc đầu tư sản xuất phim đối với một diễn viên, một nghệ sĩ thì đã quá rành rẽ, mình thuộc đường đi nước bước hết rồi. Chi phí sản xuất cũng rẻ hơn do mình có mối quan hệ, như mấy anh em quen biết nhau từ trước, mình sẽ rủ họ đầu tư thêm như đạo diễn, diễn viên khác. Ví dụ, người ta làm phim tốn 10 đồng, tôi có thể chỉ tốn 8 đồng. Tôi thấy diễn viên sản xuất phim có nhiều thuận lợi lắm.

Bản thân tôi cũng thích kinh doanh nên thấy làm gì mà có sinh lời thì làm thôi. Người ta nói “phi thương bất phú”, tôi từ tỉnh lẻ lên thành phố nên sự cố gắng gấp đôi người có điều kiện sẵn. Tôi cố gắng hết sức. Tôi không muốn bản thân giậm chân tại chỗ.

Khả năng mình làm được sao mình không làm. Tôi có suy nghĩ, mình được trả 250 - 300 triệu đồng một phim truyền hình, 300 - 400 triệu đồng phim điện ảnh. Mình làm như vậy thì một năm mình đóng được mấy phim, thu nhập được bao nhiêu. 10 năm nữa mình sẽ như thế nào. Hoặc giả, khi thị trường phim chững lại như 2-3 năm vừa rồi. Thất thu như vậy, mình sẽ làm gì... Những gạch đầu dòng đó, tôi phải tự hoạch định, tìm hướng giải quyết. Mình không thể trôi nổi mãi được. Tôi tham gia sản xuất phim điện ảnh, quay phim cho nhãn hàng... tuy không mang lại nhiều thành công nhưng những việc đó lại cho tôi nhiều kinh nghiệm.

Nghe đâu, Minh Luân cũng từng thất bại, phá sản đôi lần?

Thực ra, không riêng tôi, rất nhiều nghệ sĩ kinh doanh không thành công. Nói phá sản thì hơi quá. Tôi chỉ nghĩ nó ở mức mất hết rồi có lại. Công việc nào cũng đòi hỏi sự hy sinh, tuổi trẻ hiếu thắng quá là điều không tốt. Cho nên, tính người nghệ sĩ hơi thất thường, lãng mạn, không có bản chất thực thụ của người kinh doanh. Nhiều khi họ thích quá thì làm, làm mà thấy gian nan thì nản.

“Tôi cũng có thể hét cát-xê ở mức 1-2 tỷ đồng nhưng…”

Nghe Luân nói qua, tôi thấy cát-xê của Luân không cao như những ngôi sao ở lĩnh vực khác nhảy sang đóng phim? Thực tế ra sao, mức cát-xê đó có khiến bạn tủi thân khi bản thân có nhiều năm kinh nghiệm, tên tuổi cũng nằm ở top cao?

Thật ra, tôi cũng có thể hét giá cát-xê 1 tỷ đồng được mà. Tự mình nói thì đâu có ảnh hưởng tới ai, mình nói nhà sản xuất tôi nhận phim này với giá 1 tỷ nha, cũng được vậy. Thậm chí, tôi có thể nói 2 tỷ cũng được, không vấn đề gì, chỉ cần nói một tiếng. Nhưng quan trọng, mình nói phải hợp lý, ví như phim truyền hình mà đòi 500 triệu đồng/30 tập, với thị trường phim hiện tại, ai sẽ trả cho mình. Nếu tôi hét cát-xê như vậy, tất nhiên người ta sẽ tìm người khác với một mức giá hợp lý hơn.

Diễn viên nào cũng hét giá như vậy thì là có vấn đề. Tôi tham gia sản xuất rồi nên tôi hiểu. Có vai, tôi chỉ nhận mức cátxê 30-40 triệu đồng thôi. Thực tế, tôi đã từng đầu tư phim cho nên những chi phí, bảng dự tính cho phim thì cũng có mức giá cát-xê 1 tỷ dành cho diễn viên phim điện ảnh. Với mức cát-xê đó, ngoài diễn viên đó thì tất cả đều ở dạng vai khách mời, tiền cát-xê không bao nhiêu. Chi phí sản xuất mình đã dự trù, nếu vượt quá ai sẽ là người bỏ ra.

Minh Luân không sợ đưa mức cát-xê thấp sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi?

À, không. Ví dụ, tôi đọc kịch bản mà thấy phim đó cực quá thì đòi giá cao, còn bộ phim xuất hiện ít mà đòi giá cao thì khó lắm. Tôi chưa bao giờ đưa ra giá cátxê bất hợp lý hết. Tôi xác định sống bằng nghề đóng phim chứ không phải lâu lâu tham gia cho vui. Cho nên, tôi đưa ra giá nào đó thì nhất định phải hợp lý. Khi tôi đưa ra giá mà nhà sản xuất nói cao quá Luân ơi, tôi sẽ giải thích. Lúc đó, nhà sản xuất sẽ đồng ý thôi. Một vai 20-30 triệu tôi vẫn đóng, không câu nệ.

Hiện tại, bộ phim Về nhà đi con đang rất thu hút khán giả, nam diễn viên Quốc Trường nhờ vai diễn trong phim mà trở nên nổi tiếng. Luân nghĩ gì nếu có người nói Luân diễn lâu năm nhưng chưa có vai diễn ấn tượng?

Không có vấn đề gì. Mỗi một bộ phim đều mang tính chất khác nhau, mỗi diễn viên có một thời đi qua. Một người thế hệ trước qua thời hoàng kim, sẽ không bao giờ kéo lại được đâu. Đó là nguyên tắc tre già măng mọc, nghề này sự đào thải rất khốc liệt.

Quốc Trường làm nghề sau tôi lâu lắm. Em ấy xuất thân từ một cuộc thi điện ảnh, rồi đóng phim. Tôi học trường sân khấu ra, đào tạo bài bản. Quốc Trường là đàn em, hai anh em rất vui vẻ.

Theo tôi nghĩ, phim hay hoặc bình thường là do cảm nhận của khán giả, còn với người trong nghề, tôi hiểu ngoài yếu tố phim hấp dẫn, còn có chuyện thành công hay không do chiến dịch truyền thông mang lại. Có phim chỉ dành rất ít chi phí cho việc quảng bá nhưng số khác lại rất chú trọng. Họ dành hẳn một nguồn kinh phí khổng lồ để PR phim. Tuy nhiên, đôi lúc, PR lại gây ra phản ứng ngược khiến khán giả chán ngán.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của Minh Luân!

Ngọc Lài

Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật giấy số 126

Tin nổi bật