Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt số ca nhiễm mới COVID-19 dù nhiều nước đã tái áp đặt phong tỏa cùng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người cũng đang phải tự cách ly do tiếp xúc với trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, cho biết giờ là lúc các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động.
"Đây là một thời điểm quan trọng khác để hành động. Một thời điểm quan trọng khác để các nhà lãnh đạo thế giới bước lên, để mọi người xích lại gần nhau vì mục đích chung. Hãy nắm bắt cơ hội, vẫn chưa muộn", ông Tedros nói.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 Maria Van Kerkhove cho biết sự gia tăng đột biến mới nhất về số ca mắc đang khiến các dịch vụ y tế căng thẳng. "Một trong những thách thức mà chúng ta thấy ở khắp Bắc Mỹ, khắp châu Âu là sự gia tăng về số ca mắc, số ca nhập viện, số ca phải điều trị tích cực đang xảy ra đồng thời", bà nói.
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vẫn gia tăng nhanh chóng dù các nước đã tái áp đặt phong tỏa. Ảnh: Reuters |
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất trong 24 giờ qua với 88.905 ca, nâng tổng số lên 9.567.543. Số người tử vong ở Mỹ hiện là 236.997, tăng 522 ca so với một ngày trước đó.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu cũng diễn biến xấu không kém nước Mỹ. Nhiều nước đã buộc phải tái áp đặt phong tỏa và đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng bùng phát thứ 2.
Pháp là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu Âu và thứ 2 thế giới trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại Pháp hiện là 1.466.433, tăng 52.518 ca. Số người tử vong là 37.435, tăng 416 trường hợp.
Tại Anh, số người chết chính thức đã cao nhất châu Âu do COVID-19 và nước này đang phải vật lộn với trung bình 20.000 ca mắc mỗi ngày. Các nhà khoa học dự đoán viễn cảnh "tồi tệ nhất" là mốc 80.000 ca tử vong có thể bị vượt quá.
Anh báo cáo thêm 18.950 ca nhiễm và 136 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.053.864 và 46.853.
Thụy Sĩ cũng là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất châu Âu với 176.177 ca nhiễm và 2.388 ca tử vong được ghi nhận.
Đức là quốc gia từng xử lý tốt làn sóng bùng phát COVID-19 lần đầu tại châu Âu, song cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian gần đây. Nước này hiện có tổng cộng 560.586 ca nhiễm và 10.734 ca tử vong, tăng lần lượt 16.240 và 112 so với một ngày trước đó.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, ghi nhận thêm 37.592 ca nhiễm và 497 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 8.266.914 và 123.139.
Indonesia và Philippines vẫn là là 2 vùng dịch COVID-19 lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia hiện có 415.402 ca mắc Covid-19 và 14.044 ca tử vong do bệnh này. Con số tương ứng của Philippines là 385.400 và 7.269 người.
Hoa Vũ (T/h)