Con đường đưa chè Việt Nam ra thị trường quốc
Vùng chè Khe Cốc với diện tích tự nhiên là 120ha. Xóm hiện có 150 hộ dân với 532 nhân khẩu, diện tích canh tác 86ha chè kinh doanh. Là HTX đầu tiên ở huyện Phú Lương sản xuất chè hữu cơ, HTX chè An Toàn Khe Cốc đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu (với diện tích khoảng hơn 40ha) từ hướng VietGAP chuyển sang hữu cơ. Hiện này đã được chứng nhận 20 ha sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VN 11041.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc, ông Khiêm cho biết, ông đặt chân đến huyện Phú Lương từ những năm 1975. Khi đó, huyện Phú Lương vẫn là vùng rừng núi hiểm trở, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.
HTX chè An Toàn Khe Cốc là HTX đầu tiên ở huyện Phú Lương sản xuất chè hữu cơ
Dù sinh sống ở vùng chè nức tiếng cả nước nhưng phải đến năm 2011, trong một chuyến du lịch tại Nhật Bản ông Khiêm mới thay đổi nhận thức và quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Ông Khiêm chia sẻ: “Ở Nhật Bản, tôi thấy có những sản phẩm chè bày bán với giá cả nghìn USD mỗi kg. Trong khi đó, cũng loại chè trên, ở Việt Nam có giá bán rất thấp. Kể từ đó, trong tôi luôn đau đáu ý định phải làm sao để nâng tầm giá trị sản phẩm chè của Việt Nam, để thế giới biết đến thương hiệu chè nước nhà”.
Vừa giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc, ông Khiêm còn nhận vị trí Trưởng thôn Khe Cốc, do đó ông Khiêm càng ý thức rõ việc cán bộ phải luôn là người đi tiên phong để vận động bà con chuyển đổi, tạo nên các vùng chè hữu cơ.
Năm 2018, HTX Chè an toàn Khe Cốc được thành lập với quy mô ban đầu gồm 15 hộ dân thôn Khe Cốc với phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ. Các thành viên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng đầu tư vật tư phân bón để nhất quán phương thức sản xuất.
Sản xuất chè theo phương pháp hữu cơ giúp giá cả sản phẩm chè được nâng cao. Đời sống bà con đã thay đổi rõ rệt
Khi tham gia chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, các hộ trong HTX tham gia sản xuất sau khi được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật thì đang chuyển đổi sản xuất như sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV theo hướng sinh học. Tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để phục vụ cho việc bón chè sau khi thu hoạch.
Cách làm đó từng bước giúp giá cả sản phẩm chè được nâng cao. Đời sống bà con đã thay đổi rõ rệt. Mỗi 1ha, cây chè mang đến thu nhập trung bình từ 250 - 300 triệu đồng cho các hộ dân. Những năm gần đây, giá chè bán ra thị trường của cụm làng nghề chè Khe Cốc đã tăng lên nhiều so với các năm trước.
Với hướng sản xuất hữu cơ, chè Khe Cốc có vị thơm, đượm được lan tỏa rộng rãi không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra xa thị trường thế giới. Năm 2019, lô sản phẩm đầu tiên của HTX chè an toàn Khe Cốc đã được đối tác Ba Lan ký kết hợp đồng xuất khẩu sang các nước châu Âu gồm: trà túi lọc, bột trà xanh matcha và kẹo dồi trà xanh. Từ những thành quả đó, ông Tô Văn Khiêm đã được phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân chè.
Kẹo dồi trà xanh là một trong những sản phẩm trong lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang các nước châu Âu
Hành trình gian nan, vất vả
Nhớ lại những ngày đầu sản xuất theo phương pháp hữu cơ, ông Khiêm cho biết bản thân và HTX phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Vấn đề đầu tiên và cũng là lớn nhất ông phải giải quyết đó là làm cách nào để thay đổi ý nghĩ, nhận thức của người dân trong sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Bởi lẽ trong những năm đầu dùng các loại phân bón hữu cơ, sản lượng cây chè bị giảm đi đáng kể, khoảng 40%. Việc này khiến ông Khiêm và người dân trong làng khá lo lắng. Cũng đã có một số hộ dân có ý định từ bỏ mô hình sản xuất hữu cơ để trở lại với với phươg thức sản xuất cũ.
Ông Tô Văn Khiêm, một trong những người đi đầu về sản xuất chè hữu cơ của tỉnh Thái Nguyên
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ cũng rất khắt khe, mất nhiều công và thời gian chăm sóc. Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Khiêm cho biết nếu sử dụng thuốc hoá học thì thời gian diệt sâu bệnh thường chỉ mất một ngày, thế nhưng theo phương pháp hữu cơ thì cần tới từ 3-4 ngày để sâu bệnh tự chết. Việc này mấy khá nhiều thời gian của bà con nông dân.
Trong suốt khoảng thời gian đó, ông Khiêm cùng các thành viên đã động viên nhau cố gắng kiên trì. Dần dà, cây chè bắt đầu hồi phục và đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Không chỉ có vậy, sản xuất chè theo hướng hữu cơ đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, bền vững.
Và đến nay các hộ dân tham gia HTX chè an toàn Khe Cốc đã nhận được những quả ngọt, đời sống của người dân được cải thiện, từ thời điểm đầu phát triển cây chè với mục đích xóa đói, giảm nghèo, đến nay người nông dân đã làm giàu từ chính cây chè.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm chè thông thường, nhiều người dân tại thôn Khe Cốc, xã Tức Tranh áp dụng việc bón trứng gà, mật ong cho các cây chè. Phương pháp này lúc đầu khiến nhiều người hoài nghi nhưng khi chứng kiến thành quả ai nấy đều trầm trồ về độ ngon, ngọt và hương vị của sản phẩm chè này.
Chè Khe Cốc là một trong những sản phẩm tiêu biểu được huyện Phú Lương
Theo ông Khiêm, công thức làm trên khá đơn giản khi ông hòa một lít mật ong hòa với 10 quả trứng gà rồi pha loãng bằng nước rồi tưới xuống các gốc chè. Với công thức trên, ông Khiêm tưới cho diện tích cây chè rộng khoảng 360m2.
Các gia đình mỗi tháng có thể thu về từ 3-5kg chè thượng hạng từ cách làm trên. Đây là khoản thu nhập khá lớn để giúp các hộ dân trang trải thêm các chi phí chăm sóc, thu hoạch chè.
Cùng với việc bón mật ong trứng gà, nhiều nông dân ở huyện Phú Lượng được Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc chế biến để giữ lại vị ngọt của chè. Theo đó, với quy trình chế biến chậm, kéo dài thời gian sẽ giúp quá trình chuyển đổi enzim trong búp chè được giữ lại các khoáng chất, đường. Dù mất thêm thời gian tuy nhiên khi thành phẩm sản phẩm chè có hương vị đặc trưng.
Sản phẩm Trà Khe Cốc được công nhận OCOP 4 sao
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBNG xã Tức Tranh cho biết, diện tích chè trên địa bàn xã đến nay là 1.145 ha với 2 tổ hợp sản xuất chè hữu cơ và 16 tổ hợp tác, 1 HTX sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ năm 2021, mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương bắt đầu triển khai tại xã Tức Tranh. Sau 1 năm triển khai, người dân đã từng bước nắm được quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm chè.
XEM THÊM: Dệt may TNG báo lãi sụt giảm 28% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước
Qua đánh giá, cây chè được trồng theo hướng hữu cơ có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt hơn trước, búp chè có màu xanh vàng, mập và lá dầy, tình trạng sâu bệnh giảm hơn. Khi pha trà có màu nước trong xanh, mùi thơm hương cốm, ngọt hậu. Chè cho thu hoạch bình quân 7-8 lứa/năm; giá trị sản phẩm tăng khoảng 10% so với chè sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá bán của sản phẩm chè trồng theo hướng hữu cơ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do vậy, việc nhân rộng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hộ trồng chè ở Phú Lương.
Nguyễn Lâm