Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất "người gây ô nhiễm phải trả tiền": Ai sẽ giám sát và “cầm cân nảy mực” việc định lượng rác thải để thu tiền?

(DS&PL) -

Mới đây, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra quy định quản lý chất thải từ khi phát sinh, thu gom, đến tái chế, tiêu hủy.

Mới đây, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra quy định quản lý chất thải từ khi phát sinh, thu gom, đến tái chế, tiêu hủy theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo bộ TN&MT, thực chất đây là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như lâu nay. Khi việc ô nhiễm được quy thành những giá trị tính bằng tiền thì người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền cho sự ô nhiễm do chính họ gây ra. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, nếu được áp dụng ai sẽ là người cầm cân nảy mực giám sát, thu tiền như thế nào, nếu “lọt lưới” xử lý ra sao?

Hình ảnh rác thải dài hơn 1km bốc mùi tại dòng sông Nhuệ.

Ai xả rác nhiều hơn sẽ phải trả tiền nhiều hơn

Ghi nhận của PV ĐS&PL mới đây về dòng sông Nhuệ khu vực phường Phúc La và Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) là hình ảnh bãi rác trải dài hơn 1km bốc mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân nơi đây. Rác thải đổ tràn lan dọc bờ sông được người dân phản ánh là đã có từ lâu, bãi rác ngày càng lớn dần, lan cả xuống lòng sông. Cũng theo ghi nhận của PV ĐS&PL không ít tuyến phố, khu dân cư xuất hiện tình trạng người dân thiếu ý thức, để rác ra vỉa hè vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Chị Vũ Thị Trang (trú tại ngõ 89 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tại khu vực đang sinh sống xe chuyên dụng thu gom rác hoạt động vào những khung giờ nhất định trong ngày. Tuy nhiên, có những người dân đi làm về muộn hoặc đi làm theo ca không thể đổ rác khi nhân viên đến thu gom đúng giờ đó mà thường đem rác ra nơi có xe đựng rác để vứt. Chưa kể, những người thiếu ý thức, có thói quen vứt rác tùy tiện hoặc vứt lén lút trong đêm để không ai phát hiện.

Chị Trang cho biết, gia đình chị có 3 người, mỗi tháng phải đóng hơn 100.000 đồng cho đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, không kể số lượng nhiều hay ít mà chỉ tính theo đầu người trong gia đình. Chính vì vậy, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra quy định quản lý chất thải từ khi phát sinh, thu gom, đến tái chế, tiêu hủy theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” đang nhận được sự quan tâm. Bởi nếu được thông qua, áp dụng, thì ai sẽ giám sát việc lượng hóa rác thải từ các hộ gia đình để thu tiền?

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (bộ TN&MT) cho biết, về chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, dự thảo trước hết là yêu cầu mỗi gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chia làm 4 nhóm gồm chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Chất thải nguy hại tại hộ dân được quy định như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.

Như vậy, đối với chất thải sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung được đề xuất quy định theo hướng thu tiền thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi thân thiện với môi trường.

Theo ông Hiền, thực chất đây là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình. Lâu nay, tại các địa phương, việc thu nguồn kinh phí áp dụng bình quân theo hộ gia đình, một số nơi thu theo số nhân khẩu mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Như vậy, nhiều người dân sẽ không chú ý đến việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, cũng không phân loại chất thải tại nguồn.

Quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa, đồng nghĩa hộ nào phát sinh nhiều chất thải, sử dụng nhiều bao bì sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định giá bao bì, thiết bị chứa chất thải thực phẩm thấp hơn loại chứa chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Trường hợp hộ gia đình không phân loại, phải sử dụng bao bì, thiết bị chứa chất thải đối với chất thải rắn, tương ứng với việc phải trả nhiều tiền nhất.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (bộ TN&MT): Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đưa ra quy định đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định.

Nỗi lo lỗ hổng trong quy định

Nghiên cứu về đề xuất dự thảo này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, đề xuất này của bộ TN&MT là học hỏi từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, điều này rất tốt trong việc nâng cao trách nhiệm của người sử dụng túi bao bì, có thể kiểm soát được người gây ô nhiễm.

Là một luật sư nghiên cứu về lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, giai đoạn đầu trong việc thực hiện sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm như vứt xả rác bừa bãi. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật và dự thảo sẽ phải bổ sung vấn đề này.

Nhận định thêm, vị luật sư cũng cho hay, đây là cách nhiều nước đã thực hiện, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức cũng như sự đồng thuận của người dân.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2015. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng Năm.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (bộ TN&MT): Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đưa ra quy định đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định.

Thu Huyền - Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (68)

Tin nổi bật