Dù cùng model, hãng sản xuất và công dụng nhưng nhiều thiết bị tại một số gói thầu ở các địa phương khác nhau lại "chênh" khá lớn về giá, có khi lên tới cả chục tỷ đồng. Sự chênh lệch này đang khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc, có hay không tình trạng nâng khống giá để trục lợi ngân sách Nhà nước?
Cách đây chưa lâu, một tỉnh phía Nam đã phê duyệt gói thầu mua sắm trang thiết bị cho một đơn vị y tế trên địa bàn có giá trúng thầu nhiều tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh mục các thiết bị được phê duyệt, mặc dù cùng model, hãng sản xuất, công dụng, … nhưng trên thực tế, địa phương này đã phải mua với giá đắt hơn các địa phương khác hàng chục tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Để rộng đường dư luận, PV Đời sống & Pháp luật đã đặt lịch làm việc với đại diện cơ quan liên quan nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi.
Về vấn đề nêu trên, Phó phòng Kế hoạch tài chính sở Y tế tỉnh cho biết đã nhận được nội dung làm việc của PV. Tuy nhiên, ông đang làm văn bản yêu cầu cung cấp tài liệu của gói thầu vì trước đó sở chỉ nhận được báo cáo của gói thầu chứ không có hồ sơ liên quan.
Trao đổi với PV, luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết: Theo điểm c, khoản 1, Mục I Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 01/10/2020 về việc tăng cường công tác đầu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế; Điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 thì trước khi xác định giá gói thầu, bên mời thầu phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế và giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Điều này đặt ra vấn đề là trách nhiệm của bên tổ chức đấu thầu, khi lựa chọn nhà thầu, xác định giá trị thì phải có sự tham khảo giá thị trường của đơn vị khác, sát với thực tế.
Trường hợp, xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 90, luật Đấu thầu 2013).
“Trường hợp điều tra, xác định được có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu, đội giá thiết bị để ăn chênh lệch, gây thất thoát ngân sách Nhà nước thì hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự nếu đủ cấu thành tội phạm”, Luật sư Việt nhận định.
Cũng theo luật sư Việt, có thể nhận thấy, pháp luật đã quy định các chế tài để xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, nhưng việc thực thi, chấp hành các quy định lại phụ thuộc vào con người. Ở đây là những người tổ chức thực hiện hoạt động đấu thầu.
Vậy nên, để hoạt động đấu thầu được diễn ra đúng quy định, đúng mục đích là mang đến sự công bằng, khách quan, thì cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước.
Cũng với đó, cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp cần có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.
PV