Những gói thầu siêu tiết kiệm
Được biết, 6 tháng cuối năm 2021, công ty Điện lực Lạng Sơn tổ chức 36 gói thầu, trong đó có đến 4 gói thầu tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 đồng. Trong năm 2021, ít nhất có 30 gói thầu đạt tỉ lệ tiết kiệm thấp dưới 3% và hàng chục gói thầu tiết kiệm “tượng trưng” chưa đến 1% cho ngân sách Nhà nước.
Phóng viên rà soát ngẫu nhiên 14 gói thầu, tổng giá dự toán lên đến 142.666.146.100 đồng, giá trúng thầu là 141.036.766.048 đồng.
Tất cả các gói thầu trên đều được ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc công ty Điện lực Lạng Sơn ký phê duyệt vào các thời điểm khác nhau.
Đơn cử, ngày 21/12, theo Quyết định số 1433/QĐ-PCLS, công ty Cổ phần đầu tư thương mại An Dân đã trúng gói thầu số 1: Mua sắm 02 xe ô tô 7 chỗ ngồi phục vụ SXKD, Công trình: Trang bị xe ô tô 7 chỗ, 2 cầu phục vụ công tác SXKD - công ty Điện lực Lạng Sơn. Giá trúng thầu là 2.200.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, hai trăm triệu đồng chẵn), bằng giá dự toán, tỉ lệ tiết kiệm bằng 0.
Quyết định số 975/QĐ-PCLS.
Vào ngày 22/8, ông Phạm Ngọc Minh ký 2 quyết định phê duyệt gói thầu có giá trúng thầu bằng với giá dự toán, đó là: Quyết định số 933/QĐ-PCLS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm bổ sung DCU, Repeater thực hiện hoàn thiện nâng cao tỉ lệ thu thập dữ liệu đọc xa tại các TBA lắp đặt công tơ điện tử đo xa CPC EMEC cho công ty Cổ phần hạ tầng Toàn Cầu trúng thầu với giá 286.110.000 đồng (Bằng chữ: Hai trăm tám mươi sáu triệu, một trăm mười ngàn đồng chẵn); Quyết định số 932/QĐ-PCLS phê duyệt cho công ty Cổ phần thiết bị công nghiệp Hữu Hồng trúng gói thầu: Mua sắm bổ sung DCU thực hiện hoàn thiện nâng cao tỉ lệ thu thập dữ liệu đọc xa tại các TBA lắp đặt công tơ điện tử đo xa Hữu Hồng. Giá trúng thầu bằng giá dự toán là 765.050.000 đồng (Bằng chữ: Bảy trăm sáu mươi lăm triệu, không trăm năm mươi ngàn đồng chẵn).
Bên cạnh những gói thầu tiết kiệm 0 đồng là những gói thầu siêu tiết kiệm, hay tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, chỉ mang tính chất tượng trương. Cụ thể như: Ngày 16/12, theo Quyết định số 1415/QĐ-PCLS, liên danh công ty Cổ phần An Trường Sơn+ công ty TNHH MTV IEC-1+ công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng và Xây lắp Sông Đà đã trúng gói thầu số 5: Thi công xây dựng 03 công trình ĐTXD năm 2022 (CQT huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; CQT huyện Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định; Mạch vòng các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Đình, Văn Quan). Giá trúng thầu 16.851.760.000 đồng (Bằng chữ: Mười sáu tỷ, tám trăm năm mươi mốt triệu, bảy trăm sáu mươi nghìn đồng chẵn). So với giá dự toán gói thầu 16.902.462.643 đồng thì tiền tiết kiệm cho Nhà nước là 50.702.643 đồng, tỉ lệ 0,2%.
Ngày 21/11, theo Quyết định số 1285/QĐ-PCLS, công ty Cổ phần thiết bị điện Hàn Quốc trúng gói thầu số 2: Mua sắm dây, cách điện cho các công trình cải tạo CQT bổ sung năm 2021 thuộc các công trình cải tạo CQT bổ sung năm 2021. Giá trúng thầu 15.881.815.620 đồng (Bằng chữ: Mười năm tỷ, tám trăm tám mươi mốt triệu, tám trăm mười năm nghìn, sáu trăm hai mươi đồng). So với giá dự toán 15.929.649.045 đồng thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ 47.833.425 đồng, đạt tỉ lệ 0,3%.
Ngày 10/11, theo Quyết định số 1247/QĐ-PCLS, liên danh công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và xây lắp điện Thiên Trường – công ty CP thương mại và xây lắp Đức Hải – công ty TNHH Thành Quý trúng gói thầu số 4: Thi công xây dựng 04 công trình CQT bổ sung năm 2021 (NCS các TBA; Xuất tuyến hạ áp; CQT huyện Cao Lộc, Thành phố Lạng Sơn; Lắp đặt thiết bị Recloser 35kV). Giá trúng thầu là 10.567.171.740 đồng (Bằng chữ: Mười tỷ, năm trăm sáu mươi bảy triệu, một trăm bảy mươi mốt nghìn, bảy trăm bốn mươi đồng). So với giá dự toán gói thầu 10.580.006.940 đồng thì tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ 12.835.200 đồng, đạt tỉ lệ 0,1%.
Ngày 29/1, tại Quyết định số 113/QĐ-PCLS, Giám đốc công ty Điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh cũng ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1: Thi công xây dựng các công trình cải tạo trung gian, chống quá tải năm 2021. Đơn vị trúng thầu là liên danh công ty Cổ phần An Trường Sơn; công ty TNHH Thành Quý; công ty Cổ phần xây dựng Phú Trường An; công ty cổ phần đầu tư năng lượng và xây lắp Sông Đà; công ty TNHH dây và cáp điện Yên Viên; công ty cổ phần sản xuất biến thế HBT Việt Nam; công ty cổ phần công nghiệp INVICO; công ty CP Công nghiệp Đông Hưng và công ty CP chế tạo thiết bị điện lực Hà Nội. Giá trúng thầu: 50.729.996.827 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tỷ, bảy trăm hai chín triệu, chín trăm chín sáu nghìn, tám trăm hai bảy đồng). So với giá dự toán là 52.737.282.732 đồng thì tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trong gói thầu này chỉ rơi vào 3,8%.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ
Đưa quan điểm về hiện tượng những gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu rất thấp, TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Công tác quản lý đấu thầu thời gian qua có nhiều vấn đề, sai phạm về quản lý kinh tế tài chính phát hiện qua đấu thầu cũng tương đối nhiều. Điều đó cho thấy đây là lĩnh vực nóng cần sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức quản lý và hoàn thiện cơ chế để ngăn ngừa sai phạm, thất thoát vốn, tài sản ngân sách Nhà nước”.
TS.Bùi Đức Thụ. Ảnh nguồn: Internet.
Cũng theo ông Thụ, hiện tại một số địa phương, kể cả một số bộ, ngành, đơn vị, công tác tổ chức đấu thầu đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề là giá trúng thầu xêm xêm giá dự toán gói thầu, tức là tỉ lệ tiết kiệm không đáng kể.
Có hai khả năng, một là các cơ quan Nhà nước xác định giá trị từng gói một sát với thực tiễn. Nếu đảm bảo hồ sơ thầu, thì đó là điều tốt, bảo vệ được lợi ích Nhà nước cũng như chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu. Nhưng phương án đưa ra giá đấu thầu sát thực tế thì xác suất rất ít.
“Nếu nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp thì cần xem xét 2 khả năng. Thứ nhất, giá dự thầu sát thực tế là tốt. Khả năng thứ hai là khâu tổ chức đấu thầu có biểu hiện không bình thường nên mới dẫn đến tình trạng giá trúng thầu và giá dự toán xêm xêm nhau. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy có khả năng thông thầu hoặc là đấu thầu thiếu công khai minh bạch, thao túng công tác đấu thầu.
Để làm rõ thực tế thuộc một trong hai trường hợp kể trên thì trước hết các nhà quản lý phải chú trọng, xem xét kỹ vấn đề này. Nếu có dấu hiệu nào mà nhà quản lý thấy có biểu hiện sai phạm thì hệ thống bảo vệ pháp luật có các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan điều tra là công an, tùy theo dấu hiệu vi phạm mà yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc. Không những thế, chính các đơn vị này căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình cần sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, nhất là những vấn đề không bình thường”, TS.Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Không chỉ có nhiều gói thầu tiết kiệm 0 đồng hay siêu tiết kiệm, còn rất nhiều những hiện tượng bất thường như nhà thầu không hoạt động tại nơi đăng ký kinh doanh, thiết bị mua sắm đội giá, chênh lệch hàng tỷ đồng so với giá thị trường,… mà khi nghiên cứu, tìm hiểu công tác đấu thầu tại công ty Điện lực Lạng Sơn, phóng viên đã có tư liệu.
Mức chênh lệch giá mua sắm khủng như thế nào? Năng lực của các nhà thầu ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài viết tiếp theo.
Mai Tuân – Dương Thu