(ĐSPL) - 30 phút sau bữa cơm tối với món nấm rừng, 19 người đều có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu nên phải nhập viện cấp cứu.
Sáng ngày 4/11, bác sĩ Hoàng Ngọc Tuyến, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Lai Châu cho biết, 19 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau bụng, buồn nôn được chẩn đoán do ngộ độc nấm đã ổn định sức khỏe, không còn nguy hiểm và có thể ăn uống trở lại. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị khoảng 3 - 5 ngày tới.
Trước đó, vào ngày 2/11, sau khi đến giúp làm nhà cho một người ở trong xã biên giới Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), anh Hảng A Gió (35 tuổi) và mọi người ăn bữa tối tại đây. Thực đơn trong đó có món nấm được hái trên rừng.
Tuy nhiên, sau khi ăn xong khoảng 30 phút, mọi người có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu. Đến sáng ngày 3/11, có 19 người đã được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Lai Châu cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Sau khi hoàn tất thủ tục, bệnh nhân đã được truyền dịch bù nước điện giải và uống than hoạt tính.
Đến thời điểm này, những người bị ngộ độc đã ổn định sức khỏe, ăn uống bình thường.
Được biết, 19 bệnh nhân đều là anh em, họ hàng với anh Hảng A Gió, trong đó, người cao tuổi nhất là bà Chang Thị Nu (62 tuổi), người nhỏ tuổi nhất là bé Vàng Thị Sú (24 tháng tuổi).
Những ca bị ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong do ăn nhầm phải nấm độc xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chủ quan của người dân trong sử dụng nấm nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung. Các biện pháp phòng, chống ngộ độc nấm: Ðể những vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm không tái diễn, mỗi địa phương nên củng cố, phát triển trung tâm khuyến nông, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế về công tác an toàn thực phẩm. Bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tránh sử dụng thực phẩm độc hại, gây thiệt hại đến tính mạng của chính mình và cả cộng đồng. Người dân không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm (đối với nấm tán) vì lúc đó chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của chúng nên không xác định được rõ loài; không nên ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, phát sáng vào ban đêm. Người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm. Khi bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, trước hết cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học); cho bệnh nhân uống than hoạt tính, uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol, đồng thời nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. |