Vào ngày 5/10/1970, người dân thôn Hà Gia, thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, khi đang làm việc tại một công trường xây dựng ở trong vùng đã đào được một chiếc bình gốm khá lớn. Sau khi kiểm tra, họ vô cùng sửng sốt khi phát hiện bên trong chứa rất nhiều đồ cổ. Ngay sau đó, dân làng đã gửi chiếc bình gốm đến Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây để các chuyên gia thẩm định và nghiên cứu.
Vào ngày 11/10 cùng năm, một người đàn ông khi đang làm việc ở địa điểm trên cũng tìm thấy một chiếc bình gốm tương tự. Bề mặt của chiếc bình được phủ một lớp bột bạc, bên trong chứa đầy vàng và các cổ vật bằng bạc và ngọc bích. Chiếc bình này sau đó cũng đã được người này giao cho Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây.
Số vàng được trưng bày. Ảnh: Sohu.
Sau khi thẩm định, các chuyên gia cho biết bên trong bình có một số lượng lớn lá vàng nặng tới 5,5 kg. Thông qua việc nghiên cứu các món cổ vật còn lại, các chuyên gia xác định được chúng là đồ tùy táng của một vị hoàng thất thời Đường trong lịch sử Trung Quốc, có niên đại hơn 1.000 năm.
Tất cả đều được đưa về Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây để nghiên cứu và phục chế.
6 tháng sau, Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây tổ chức cuộc triển lãm "Báu vật từ Hà Gia thôn" để giới thiệu đến công chúng những gì họ khai quật được. Phần đông dân làng có mặt và chứng kiến một sự việc kỳ lạ khiến họ thắc mắc, nghi ngờ.
Đó là, khi các chuyên gia của viện bảo tàng đem số lá vàng lá đào được hồi tháng 10/1070 cân lại trước khi trưng bày thì nhận ra trọng lượng đã giảm chỉ còn hơn 4,1kg. Vậy hơn 1kg mất đi đâu? Câu hỏi này được dân làng đặt ra với sự hoang mang tột độ. Các nhân viên bảo tàng cũng bối rối vì rõ ràng số vàng này được bảo vệ nghiêm ngặt, không thể có chuyện bị trộm.
Dù sao thì sự thề thốt của nhân viên bảo tàng cũng không khiến người dân thôn Hà Gia thỏa mãn, họ yêu cầu Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây đưa ra lời giải thích rõ ràng, thỏa đáng. Nhà khảo cổ học đảm nhận việc nghiên cứu số vàng này cũng bị đình chỉ công tác để điều tra.
Cơ quan chức năng cử các chuyên gia từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Thiểm Tây và Đại học Tây Bắc đến. Sau khi kiểm tra và tiến hành một số thử nghiệm, họ công bố rằng không có ai trộm vàng cả; 5,5kg lá vàng bỗng bị "ngót" mất hơn 1kg là hiện tượng bình thường.
Bí ẩn của sự việc được khoa học lý giải rõ ràng. Với công nghệ luyện kim thời Đường (thế kỷ VII đến đầu thế kỷ X), độ tinh khiết của vàng còn thấp, lẫn nhiều tạp chất, vì thế hàm lượng vàng thực tế không cao. Mặt khác, số vàng lá này được đặt trong bình gốm và chôn dưới đất hàng nghìn năm, những tạp chất trong lá vàng hấp thu lượng nước lớn khiến trọng lượng tăng lên.
Số vàng này lúc mới đưa ra khỏi bình gốm nặng 5,5kg, các lá vàng chưa được bóc tách và độ ẩm vẫn được giữ lại giữa chúng. Trong vòng 6 tháng sau đó, tập vàng lá được kiểm tra rồi đưa về trưng bày trong bảo tàng ở nhiệt độ và môi trường tiêu chuẩn, lượng nước bên trong bốc hơi dần nên trọng lượng giảm đi.