Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Bài học thất bại khi bị từ chối và hành trình chinh phục thảm đỏ quốc tế

(DS&PL) -

Mặc dù đạt được thành công lớn, được giải thưởng quốc tế gọi tên nhưng bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy khá lận đận để ra mắt khán giả trong nước.

Mặc dù đạt được thành công lớn, được giải thưởng quốc tế gọi tên nhưng bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy khá lận đận để ra mắt khán giả trong nước. Khi tác phẩm điện ảnh đầu tay chính thức được cấp phép phổ biến, nhà làm phim trẻ đã dành cho PV ĐS&PL buổi trò chuyện thú vị.

Đạo diễn Trần Thanh Huy

Hái quả ngọt bằng niềm tin

Chào anh, cảm giác của anh như thế nào khi bộ phim điện ảnh đầu tay sắp được công chiếu tại Việt Nam sau hành trình chinh phục quốc tế?

Nói thiệt nha, không có cảm giác gì cả, tôi không biết nên vui hay nên buồn. Khi được giám đốc sản xuất thông báo, tôi có một chút rơm rớm nước mắt. Sau bao nhiêu thăng trầm, một là quá đau không còn đau nữa, hai là quá vui không còn vui nữa. Tôi thấy bản thân ở giữa hai thái cực đó.

Vượt qua khoảng thời gian nặng nề đó, anh có giữ được điều mình mong muốn gửi đến khán giả qua bộ phim hay không?

Là người đứng ra kêu gọi từ trước, tôi nhận ra bản thân phải có trách nhiệm tìm đường đi tiếp. Vì để hoàn thành tác phẩm, ê-kíp đã phải bỏ ra nhiều công sức. Chúng tôi không thể để bộ phim đi vào quên lãng. Khi phim bị phạt, suốt nhiều tháng, tôi phải nghiên cứu để chỉnh sửa, nói chuyện thuyết phục để giữ lại những điều mà bản thân cho là cần thiết. Bản phim sắp ra rạp so với bản ban đầu có thời lượng giống nhau. Đường dây cốt truyện đều được giữ lại, chỉ khác một vài chi tiết.

Nhìn lại giải thưởng quốc tế của phim Ròm, anh thấy bản thân đã mạnh mẽ như thế nào?

Ngày trước, tôi muốn làm bộ phim Ròm để ghi lại tuổi trẻ của chính mình. Ê-kíp chúng tôi cũng có tinh thần như thế. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến viễn cảnh được nhận giải thưởng ở liên hoan phim lớn nhất châu Á, được các nhà sản xuất bỏ tiền để phát hành phim.

Năm 2015, dự án Ròm phải đấu với hàng trăm dự án khác để được chọn vào top 15 vào Liên hoan phim quốc tế Busan. Từ vòng chung kết đó, ban tổ chức sẽ chọn ra dự án xuất sắc nhất để trao giải và cho tiền thực hiện tác phẩm.

Thế nhưng, chúng tôi vụt mất cơ hội nên các nhà sản xuất, quỹ đầu tư đều quay lưng từ chối. Nếu không có niềm tin của bản thân và ê-kíp thì làm sao tôi làm tiếp được. Đến ngày bộ phim hoàn thành, Liên hoan phim quốc tế Busan trao cho chúng tôi giải Nhất. Thế nên, nếu chúng tôi bỏ cuộc từ thất bại đầu tiên, ngày hôm nay đã không thể có được. Làm phim không chỉ cần sáng tạo, còn phải kiên trì.

Điểm tựa gia đình cho đam mê

Đối với anh, thành công ngày hôm nay chắc hẳn có nhiều dấu ấn từ gia đình, phải không?

 Tôi bắt đầu làm phim từ hồi 15 tuổi. Ngày đó, bà nói tôi chỉ được học quản trị kinh doanh hay công nghệ thông tin. Gia đình rất nghèo, có khi nghĩ về tương lai, tôi cũng từng nghĩ sẽ nghe lời bà nội, đi học kinh doanh. Một hôm, tôi vào lớp đạo diễn nhí, học về quay phim. Tự dưng tôi nhận ra đam mê của bản dù chỉ mới đi quay 1 phim. Từ đó, bên cạnh đi học ở trường, cứ có thời gian lại đi làm phim nên bị bà nội la rầy, thậm chí đánh đòn rất nhiều. Lúc đó, tôi không hề đắn đo chọn lựa, chỉ đi theo hướng mình thích.

Sau ồn ào, anh có còn muốn dấn thân vào những đề tài gai góc như với Ròm nữa không?

Với tôi, điện ảnh là nền công nghiệp. Nó phải đáp ứng 2 tiêu chí là phục vụ cho cá nhân (người đạo diễn) và cộng đồng, khán giả số đông. Có “nhát tay” hay không khi làm dự án tiếp theo, tôi chưa bao giờ nghĩ về phía trước của mình là gì.

Nếu bây giờ có nhà làm phim trẻ đến hỏi về “bài học xương máu”, anh sẽ đưa ra lời khuyên gì?

Trước hết, tôi cần nói rất rõ ràng với các bạn rằng, khi chọn lựa trở thành đạo diễn phim điện ảnh, bạn phải đi đúng con đường mình đã chọn. Muốn như thế, chúng ta phải chấp nhận vượt qua tất cả khó khăn, đừng làm cho mình bị “ô nhiễm”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã nói trong một lớp học, một người đạo diễn thuần khiết là đừng bao giờ để mình bị “ô nhiễm” bởi những xung đột, lời nói hay những thứ kích thích khiến mình rẽ sang hướng khác. Tôi hiểu ra 2 ý qua lời nói đó, bên ngoài về vật chất và bên trong là sự sáng tạo, phải đi đến cùng con đường mình cho là đúng Trân trọng cảm ơn anh!

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (25)

Tin nổi bật