Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đảo chính tại Sudan: Quân đội áp lệnh giới nghiêm, đóng cửa biên giới và không phận

(DS&PL) -

Quân đội Sudan áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong vòng 1 tháng trên khắp cả nước, sau khi tuyên bố chế độ tồn tại 30 năm qua đã bị lật đổ.

Quân đội Sudan áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong vòng 1 tháng trên khắp cả nước, sau khi tuyên bố chế độ tồn tại 30 năm qua đã bị lật đổ và Tổng thống Omar al-Bashir đang bị giam.

Các binh sĩ Sudan đứng trên xe bọc thép khi những người biểu tình tiếp tục phản đối nhiệm kỳ bên ngoài trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: Getty

“Tôi ban bố lệnh giới nghiêm trong một tháng, kéo dài từ 22h đến 4h hôm sau", Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf nói.

Ông Ibnouf trước đó đã tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng chế độ tồn tại 30 năm qua đã bị lật đổ và Tổng thống Omar al-Bashir đang bị giam ở một nơi an toàn. Có nguồn tin cho rằng ông Bashir đang bị giam giữ ngay tại nhà riêng.

Ngoài việc lật đổ và bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan sẽ tiếp quản đất nước cho đến khi "một cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức", dự kiến khoảng 2 năm.

Ông Ibn Ouf cũng cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng 3 tháng tới. Thêm vào đó, quân đội Sudan cũng đình chỉ hiến pháp, đóng cửa biên giới và không phận.

Cuộc đảo chính ở Sudan diễn ra sau 4 tháng biểu tình của người dân nhằm yêu cầu tổng thống phải từ chức. 

Omar al-Bashir, 75 tuổi, trở thành tổng thống sau cuộc đảo chính do người Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989. Ông là một trong những tổng thống cầm quyền lâu nhất ở Sudan và bị Tòa Hình sự quốc tế truy nã về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh.

Sudan rơi vào tình trạng bị cô lập trong khoảng thời gian dài kể từ năm 1993, khi đó Mỹ đã liệt chính phủ ông Bashir vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Bốn năm sau đó, Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Sudan.

Từ cuối tuần trước, hàng nghìn người dân đổ ra đường phố thủ đô Khartoum biểu tình, kêu gọi Tổng thống từ chức và yêu cầu quân đội đứng về phía người dân. 

Những người biểu tình nói rằng họ không ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự nhưng mong muốn có một chính phủ chuyển tiếp dân sự sau khi ông al-Bashir bị lật đổ.

Các nhà hoạt động Sudan thông báo hàng trăm người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng chống lại ông al-Bashir đã được thả tự do. Hãng tin SUNA cũng xác nhận tất cả tù nhân chính trị trên cả nước sẽ được Cơ quan An ninh Sudan (NISS) trao trả tự do.

Cùng ngày, hàng chục ngàn người tổ chức ăn mừng trên các con đường ở thủ đô Khartoum.

Phản ứng về diễn biến ở Sudan, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Cairo tin tưởng hoàn toàn vào "khả năng của người dân Sudan và quân đội trung thành với quốc gia trong việc vượt qua những thách thức trong giai đoạn quan trọng này... để đạt được sự ổn định, thịnh vượng và phát triển". Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng Ai Cập tôn trọng chủ quyền và các quyết định mang tính quốc gia của Sudan.

Trước đó, Nga cũng đã kêu gọi người dân Sudan "bình tĩnh", đồng thời bày tỏ hy vọng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng, bất kể ai lên cầm quyền tại Sudan.

Mộc Miên (Theo Aljazeera)

Tin nổi bật