Theo đó, vào ngày xảy ra sự việc, nhà trai tới Sơn Đông, Trung Quốc đón dâu trong lúc quay xe về thì bất ngờ bị một nhóm đông người dân trong làng chặn đường. Mục đích của những người này là muốn vòi "hồng bao" hay còn gọi là tiền lì xì để xin "vía" lấy may từ đám cưới. Đây vốn là tập tục truyền thống tại đây.
Cô dâu đã nói trước cho chú rể chuẩn bị bao lì xì. Tuy nhiên trước đó nhà trai đã phát rất nhiều bao lì xì cho những người tới dự lễ rước dâu theo lời dặn của cô dâu. Không ngờ, tới lúc ra về chưa kịp tới cổng làng lại tiếp tục bị chặn lại đòi tiền.
Vì không kịp chuẩn bị thêm nên phía nhà trai đã nói khéo xin qua nhưng dân làng kiên quyết không đồng ý. Thậm chí bắt chú rể rút ví lì xì tiền cho mọi người.
Đôi bên lời qua tiếng lại, ban đầu chỉ nói đùa, không ngờ sau đó bị người dân bóng gió nói nhà trai keo kiệt. Cảm thấy bị xúc phạm nên nguyên cả dàn phù rể đi đón dâu cùng người thân của chú rể đã xuống xe và lao vào đánh nhau với người dân.
Nhiều người đã vào can nhưng phía nhà trai kiên quyết "dạy dỗ" cho những người xúc phạm họ nên kiên quyết không chịu làm hòa mà đánh tiếp. Cảnh tượng hỗn loạn này đã khiến cả làng cô dâu ngỡ ngàng vì chưa từng có tiền lệ.
Ngay sau khi đoạn video ghi lại cảnh tượng này được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa số người dùng để lại bình luận phẫn nộ trước hành vi của người dân.
"Cái gì tốt đẹp thì giữ lại, cái gì xấu xí thì bỏ đi"
"Hủ tục thì phải bỏ, đừng cố lợi dụng những hủ tục này để kiếm chác rồi tự làm xấu hình ảnh của chính mình".
"Mấy vụ 'náo hôn' hành hạ cô dâu chú rể chưa đủ hay sao mà còn cả tục vòi tiền như này nữa vậy".
"Có khi sau lấy vợ ở đâu phải tìm hiểu thật kỹ xem có mấy cái tập tục này không để còn chạy trước".
Nhà trai phải chuẩn bị nhiều quà và tiền để phân phát cho đám đông chặn xe, nếu muốn thuận lợi đón dâu. Ảnh: Baidu.
Được biết, nghi thức chặn đường chú rể được gọi là "lan men", có nghĩa là "chặn cửa", mục đích kiểm tra người chồng tương lai có quyết tâm cưới người mình yêu hay không. Một số người thân, bạn bè của cô dâu thậm chí đặt ra những thử thách như bắt chú rể đoán câu đố, ngâm thơ hay thể hiện tài ca hát, nhảy múa.
Nhà trai phải chuẩn bị nhiều quà và tiền để phân phát cho đám đông chặn xe, nếu muốn thuận lợi đón dâu. Tục lệ này được người dân hưởng ứng và duy trì qua nhiều thế hệ.
Vài năm qua, nhiều tập tục trong đời sống xã hội ở Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, liên quan đến hoạt động cưới hỏi, bị dư luận nước này phản đối, yêu cầu thay đổi. Nhức nhối nhất là vấn nạn thách cưới, trong đó nhà gái yêu cầu nhà trai phải có một khoản sính lễ (nạp tài) lớn mới đồng ý gả con. Vì tiền sính lễ quá cao mà tình trạng đàn ông không thể kết hôn ở Trung Quốc ngày càng nhiều.
"Hun nao", được gọi là "đám cưới nóng bỏng" cũng là một tập tục gặp nhiều chỉ trích. Theo đó, phong tục này cho phép những người dự đám cưới được chế nhạo chú rể, cô dâu và thậm chí cả phù dâu để tạo tiếng cười. Tuy nhiên, những hành đồng quá đà đã dẫn đến bạo lực và quấy rối tình dục được báo cáo. Hay một phong tục khác ở tỉnh Giang Tây yêu cầu cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống phải quỳ trong vài giờ trước khi gặp chú rể, nhằm thể hiện tình cảm.
Như Quỳnh (T/h)