Khốn khổ trả mãi không hết nợ
Theo khảo sát của PV, bức tường trong một con hẻm ở xã Đông Thạnh, H. Hóc Môn được phủ kín bằng những tờ giấy “cho vay trả góp”. Gọi điện vào số điện thoại trên tờ quảng cáo, chúng tôi được một người đàn ông tư vấn: “Nếu là công nhân, chỉ cần cà-vẹt xe, chứng minh nhân dân hoặc bảng lương là vay được 5-20 triệu đồng rồi. Nếu đồng ý, nhắn tin địa chỉ qua để anh cho người đến làm hồ sơ, giải ngân liền”.
Đằng sau những lời rao đầy ngọt ngào này đấy là cạm bẫy (ảnh minh họa)
Trao đổi với PV, ông Trần Văn T. - chủ một căn nhà trọ gần đó - cho hay: “Định vay tiền trên này hả? Đừng có dại mà dính vô, chỉ có chết thôi”. Cũng theo ông T., thủ tục cho vay của nhóm người quảng cáo rất dễ nhưng ai đã vay rồi thì khó mà trả được. “Ở nhà trọ của tôi, từng có người chỉ vay tạm vài triệu đồng đóng tiền học cho con nhưng rồi sau đó phải dọn nhà đi trong đêm vì phải vay chỗ nọ đắp chỗ kia, trả hoài không hết nợ” - ông T. kể.
Còn câu chuyện của chị Trịnh Thị Hương, công nhân ở Q. Bình Tân, cho biết lương công nhân thấp, có khi chưa đến kỳ nhận lương đã hụt tiền. Những năm trước, khi hụt tiền, công nhân thường mượn tiền của tổ trưởng, chuyền trưởng trong công ty. Năm nay, dịch bệnh kéo dài, tổ trưởng, chuyền trưởng cũng bị cắt giảm thu nhập. Họ không thể cho mượn nữa nên những người kẹt tiền phải tìm vay từ nguồn bên ngoài, thường là qua các ứng dụng (app) vay tiền trôi nổi không phép. “Mấy chị ở công ty tôi nói, chỉ cần tải app, nhập số điện thoại, chụp chứng minh nhân dân tải lên là vay được từ hai triệu đến vài chục triệu đồng. Hôm qua, chị bạn chung nhà trọ tôi vừa vay mấy triệu để gửi về quê, chỉ cần bấm bấm trên điện thoại vài cái là có tiền liền” - chị Hương chia sẻ.
Chúng tôi tìm đến chị Phạm Thị Nhân, 43 tuổi, với khuôn mặt trùm kín chị cho biết, mấy ngày nay khi dịch Covid 19 ổn hơn nhưng mỗi khi ra đường, chị phải hóa trang để tránh sự truy lùng của các đối tượng đòi nợ. Chị kể, ban đầu, chị vay qua app V. (không được cấp phép) 3,5 triệu đồng trong 14 ngày, nhưng chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, app trừ phí 1,2 triệu đồng, tiền lãi mỗi ngày khoảng 23.000 đồng (tương ứng 1%/ngày). Do đóng tiền trễ hạn, số tiền mà app thông báo với chị lên 5,95 triệu đồng và sau một ngày, số nợ tăng lên 6,2 triệu đồng, gấp 2,7 lần số thực vay ban đầu.
Khi vay qua app của tín dụng “đen”, điện thoại bị định vị, toàn bộ danh bạ điện thoại bị sao chép, cả tin nhắn cũng bị đọc lén. Để trốn sự truy đuổi của chủ app, chị phải ra ngoài thuê nhà ở. Thế nhưng, các đối tượng gọi điện quấy nhiễu tinh thần người thân của chị. “Họ nhắn tin cho bạn bè tôi, đăng hình chứng minh nhân dân của tôi khắp nơi. Số tiền tôi trả nợ đã gấp nhiều lần số tiền vay ban đầu nhưng vẫn chưa hết nợ” – chị Nhân thất thần.
Làm thế nào để vay đúng luật
Đem những câu chuyện trên kể lại với luật sư Nguyễn Văn Thịnh – Văn phòng Luật sư Nguyễn Thịnh cho biết, dù các đối tượng cho vay lãi, tín dụng đen rất manh động, người vay dễ bị nguy hiểm nhưng để xử lý hình sự được các đối tượng cho vay nặng lãi, ngoài việc phải chứng minh mức lãi cho vay vượt mức lãi vay theo quy định của Nhà nước (hơn 10% tổng tiền vay), cơ quan điều tra còn cần phải làm rõ các điều kiện khác như: Cho vay chuyên nghiệp, mang tính chất bóc lột, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản để làm rõ các yếu tố này. Khái niệm “tính chất bóc lột”, “đòi nợ kiểu xã hội đen” cụ thể thế nào, luật không nêu rõ. Ngoài ra, đa số các đối tượng cho vay nặng lãi đều lách luật, xin giấy phép mở thêm tiệm cầm đồ, hoạt động trá hình bên trong. Cho nên qua những câu chuyện trên người dân cần phải tìm đến các ngân hàng hoặc công ty tài chính có giấy phép, hợp pháp, đúng luật để vay.
Luật Nguyễn Văn Thịnh cho biết, để ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi hiệu quả, ngoài xử phạt hành chính “cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép”, công an các địa phương cần làm tốt công tác nắm kỹ tình hình địa bàn, kiểm tra sát sao tạm trú, tạm vắng các đối tượng lạ. Khi phát hiện đối tượng, cá nhân có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi, cảnh sát khu vực vận động chủ nhà không cho thuê ở. Một khi không có chỗ ở, không tìm kiếm được “con mồi”, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ bỏ đi.
Sự phát triển kinh tế đã tác động đến nhu cầu về vay vốn cho hoạt động sản xuất và các nhu cầu về tiêu dùng tăng lên làm cho hoạt động vay tài sản phát triển rất sôi động. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh nhiều biến tướng của hoạt động cho vay của các cá nhân, tổ chức (trừ hoạt động của các ngân hàng) dẫn tới một thực trạng đáng lo ngại cho những người đi vay và cho xã hội.
Để hạn chế nạn tín dụng đen, hạn chế nguy hiểm cho những người vay tiền, các giao dịch vay cần lập thành văn bản, có công chứng và tốt nhất là phải có tài sản thế chấp, bảo đảm cho khoản vay. Cũng cần kiểm tra khả năng tài chính, khả năng trả nợ, uy tín của người vay mới cho vay. Không nên vì sự cả tin; đặc biệt, người vay tiền cần tham khảo ý kiến, chuyên gia, luật sư để hoàn thiện các thủ tục cho chắc chắn không rơi vào bẫy tín dụng đen, không phải tán gia bại sản. Còn về phía người cho vay đảm bảo được khả năng thu hồi nợ mà không vi phạm pháp luật.
Hoàng Long