Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đảm nhận vị trí người đứng đầu, phụ nữ phải vượt áp lực, “gánh” nhiều cơ cấu...

(DS&PL) -

Trong 8 nữ Bí thư Tỉnh ủy vừa được bầu tại đại hội Đảng bộ các tỉnh có 7 người tái cử và là Ủy viên Trung ương khóa XII; 4 nữ Bí thư không phải là người địa phương.

Trong 8 nữ Bí thư Tỉnh ủy vừa được bầu tại đại hội Đảng bộ các tỉnh có 7 người tái cử và là Ủy viên Trung ương khóa XII; 4 nữ Bí thư không phải là người địa phương. Nhiều ý kiến nhận định, nữ giới không thiếu người tài, dám nghĩ dám làm, quan trọng là việc lựa chọn, tin tưởng giao trọng trách. Xung quanh vấn đề này, PV tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với GS. Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia.

8 nữ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa được bầu.

Bước đột phá trong công tác cán bộ

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ hiện nay, đặc biệt là nhiều cán bộ chủ chốt là nữ giới, điển hình là 8 nữ Bí thư Tỉnh ủy vừa trúng cử?

GS.Bùi Văn Nhơn: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao và coi trọng vị trí, vai trò của nữ giới trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người luôn căn dặn “đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”...

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp trên tất cả các lĩnh vực, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt, trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, ban Bí thư, ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ đã đưa chỉ tiêu tỉ lệ cán bộ nữ như một quy định bắt buộc khi thực hiện công tác cán bộ.

Tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy, hệ thống chính trị xã hội là cần thiết. Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ là nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển. Nhìn vào số lượng cán bộ chủ chốt vừa trúng cử, theo tôi, đó là bước đột phá trong công tác cán bộ. Công tác quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được chú trọng, điều đó khích lệ đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tự tin, chủ động phấn đấu vươn lên, cống hiến có hiệu quả cho cấp ủy.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cán bộ nữ hiện nay?

GS.Bùi Văn Nhơn: Theo tôi, nhiều cán bộ nữ hiện nay không ngại va chạm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bản thân đội ngũ cán bộ nữ cũng đã có những nhận thức rõ về vai trò, vị trí, trách nhiệm trước tình hình mới, đã chủ động từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tham gia học tập các lớp đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Hầu hết cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp khi được giao nhiệm vụ đã có nhiều cố gắng vươn lên đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dấn thân, sẵn sàng đối diện với thách thức

PV: Có ý kiến cho rằng, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo chủ chốt vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ. Phải chăng, việc lựa chọn cán bộ nữ đôi khi còn gặp trở ngại về định kiến, thưa ông?

GS.Bùi Văn Nhơn: Tôi đồng tình với nhận định của một ĐBQH, tâm lý xã hội vẫn đề cao nam giới hơn nữ giới tuy không rõ nét nhưng vẫn còn âm ỉ. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ vẫn còn bất cập. Bên cạnh những cán bộ nữ dám nghĩ, dám làm còn một bộ phận có biểu hiện an phận, chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được luân chuyển hoặc sang lĩnh vực công tác khác. Ở khía cạnh nào đó, nhiều cán bộ nữ còn thiếu những đặc điểm mà nếu ở nam được coi là tích cực- sự tham vọng, lòng dũng cảm, sự quyết tâm.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, bộ, ngành (nhất là người đứng đầu) còn chưa thật sự sát sao, thực chất. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc, chưa toàn diện về công tác cán bộ nữ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ còn hạn chế.

Nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ, đặc biệt là trong giới thiệu nguồn nhân sự cấp ủy và nguồn ứng cử viên đại biểu HĐND... Thực tế rất ít cán bộ nữ được luân chuyển hoặc đủ điều kiện để thực hiện luân chuyển. Chất lượng nữ ứng cử viên chưa cao, do đó chưa đủ sức thuyết phục đối với cử tri khi cân nhắc, lựa chọn bỏ phiếu bầu cho nữ ứng cử viên.

PV: Theo ông, cần có cơ chế gì để nữ giới đột phá và phát huy vai trò trong quá trình công tác?

GS.Bùi Văn Nhơn: Bên cạnh việc đổi mới về tư duy, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để những người thực sự có năng lực được lựa chọn cũng cần được quan tâm, chú trọng. Thực tế cho thấy, quy định về tỉ lệ, số lượng cán bộ nữ trong tất cả các cấp ủy từ trung ương tới địa phương vẫn chưa đạt được. Theo tôi, trong mọi khâu cần chú trọng hơn nữa đối với cán bộ nữ; phải có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và có chiến lược lâu dài để đào tạo nâng cao trình độ.

Trong công tác cán bộ, giao việc, tạo thử thách để cán bộ nữ dấn thân, sẵn sàng đối diện với thách thức, phấn đấu đi lên là yếu tố tiên quyết. Áp lực càng lớn càng tạo động lực cho cán bộ nữ vươn lên, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện cho bằng được những gì đã hứa trước nhân dân, tổ chức. Theo tôi, không có cách nào khác, người phụ nữ được giao trọng trách phải thể hiện, chứng minh được sự vượt trội hay ngang bằng của mình đối với nam giới, có thế xã hội mới thừa nhận. Phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực để làm việc tốt mà không cần phụ thuộc vào quyền bình đẳng, hay sự đảm bảo về số lượng.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu, vừa cơ cấu trẻ, cơ cấu là trí thức... làm hạn chế nguồn cán bộ lựa chọn đưa vào ứng cử.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (43)

Tin nổi bật