(ĐSPL) - Tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mọi gia đình đều phải tổ chức hôn lễ ở trụ sở của ủy ban nhân dân xã với chi phí 2 triệu đồng. Nếu tự ý làm trái với quy định, chính quyền sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Không xe cộ đưa rước, cô dâu và chú rể đi bộ trong cơn mưa tầm tã cùng đoàn người già trẻ, lớn bé, khách hai họ rồng rắn dẫn nhau ra trụ sở ủy ban xã để chuẩn bị cho lễ thành hôn. Đó là hình ảnh đặc biệt trong một đám cưới ở xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.
Tình cờ chứng kiến một hôn lễ kì lạ được tổ chức trên đảo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cách thức tổ chức đám cưới khá đặc biệt của người dân miền biển. Khác với một đám cưới thông thường được tổ chức rình rang tại gia đình hay tại một nhà hàng nào đó, ở Nghi Sơn, lễ cưới phải được diễn ra tại hội trường của xã, có người của chính quyền đứng ra tổ chức và chứng kiến.
Trước đó, nhà trai sẽ đến nhà gái tiến hành những thủ tục rước dâu thông thường, xong xuôi cả hai họ và khách tập trung về trụ sở của ủy ban xã. Tại đây, bàn, ghế, phông rạp, chè nước và bánh kẹo đã được ban tổ chức là chính quyền xã bày sẵn. Vì không đủ chỗ, khách mời sẽ hạn chế và lễ cưới được tiến hành nhanh gọn trong khoảng hơn 30 phút với phần phát biểu của đại diện chính quyền xã, đại diện của gia đình, phần trao nhẫn của cô dâu, chú rể và văn nghệ gọi là góp vui. Kết thúc lễ cưới tại hội trường, đoàn người đưa đón dâu và khách mời lại về nhà chú rể tiếp tục ăn uống, mừng đám cưới.
|
Một đám cưới được tổ chức tại trụ sở ủy ban xã, người đại diện chính quyền trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi trẻ. |
Nhiều năm nay, thủ tục này đã trở nên rất quen thuộc với người dân miền biển Nghi Sơn. Nói về quy định này, bà Trần Thị Vui, người dân xã Nghi Sơn cho biết: “Mọi đám cưới ở đây đều diễn ra như thế hết. Vì xã đã quy định rồi, chúng tôi phải làm theo thôi. Mỗi đám cưới, gia đình đóng phí 2 triệu cho một lần tổ chức, có người của ủy ban xã chứng kiến và cấp giấy chứng nhận. Ai mà tự ý làm trái thì không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn".
Khi được hỏi về việc tại sao xã lại ra quy định người dân phải tổ chức hôn lễ tại trụ sở ủy ban xã, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch xã Nghi Sơn trả lời: “Đây là một quy định nhằm hưởng ứng chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới của huyện, thực hiện đám cưới tiết kiệm, văn minh. Do đặc thù của Nghi Sơn là đất chật, người đông, nhà nào cũng chật hẹp không có nơi để dựng hôn trường. Hơn nữa, thay vì mất 5, 6 triệu để thuê phông rạp, loa đài, người dân chỉ mất 2 triệu để tổ chức tại hội trường của ủy ban".
"Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho người dân có nơi để mừng vui ngày trọng đại nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm và văn minh. Người dân được phép tự tổ chức tại nhà trong trường hợp có nhiều gia đình cùng chọn cưới vào một ngày và khi đó, ủy ban sẽ có người đến dự và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho họ”, ông Bình thông tin thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người dân cho rằng, cách làm này của chính quyền xã chưa thực sự nhận được sự đồng thuận của người dân. Bởi, một số trường hợp vẫn phải đồng thời tổ chức đám cưới ở cả hai nơi (ủy ban xã và làm thêm mâm cỗ ở nhà - PV) vì lượng khách quá đông... Do đó, theo họ tính toán, đám cưới như vậy không những không tiết kiệm mà còn tốn kém thêm.